Giáo Dục

[review sách] “con chim xanh biếc bay về”: liệu có phải hy vọng để ta chờ đợi tình yêu?

 là tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Cả câu chuyện là sự gói ghém cẩn thận từ tình thương máu mủ, tình yêu chân thành và cả những câu chuyện của tuổi thơ. Ta từng thấy các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đều mang một vẻ đẹp mộc mạc, giản dị của vùng quê Nam bộ, trải dài những chốn cũ kĩ như cái làng nhỏ, cái trường tẹo teo hay cả cái tính thân thiện của con người miền Nam dân dã. Và ở cũng vậy, tái hiện lại thôn xóm ở vùng quê ấm áp, vẽ ra bức tranh của cô gái nông thôn vào Sài Gòn ăn học, hiện lên khung cảnh của kẻ xa nơi ‘chôn rau cắt rốn’ để đến một miền xa lạ mưu sinh. Khuê chính là vậy! Mà tại đây, bằng một cách nào đó cô đã gặp được những người bạn đồng hương, những cái duyên nợ bất chợt mà Khuê chẳng ngờ đến. Ở chốn Sài Gòn xa hoa, Khuê liệu có tìm cho mình một lối đi đúng đắn hay lạc lối giữa dòng chảy của xã hội…

Khuê – cô gái kiên cường mang nhiều hoài bão

Khuê xuất hiện với hình ảnh cô gái giản dị, cái giản dị ấy hiện qua từng câu nói, lời kể trải dài trên trang giấy thẳng tắp. Dù ra trường hơn một năm nhưng Khuê vẫn chấp nhận đi chiếc xe đạp cũ của ba đã mua cho suốt thời gian học đại học. Đó là một chiếc xe đạp thô kệch mà theo lời kể ấy chẳng khác nào chiếc xe dành cho nam giới, không hề mang dáng vẻ của một cô gái điệu đà, dễ mến. Thế nhưng cô biết, đó là chiếc xe tốt, là chiếc xe ba đã dùng số tiền từ công việc buôn ve chai cực nhọc để mua cho cô, cô trân trọng nó dù đôi khi cảm thấy có chút mặc cảm… Tôi vốn sinh ra ở Sài Gòn, tôi khó mà hình dung ra cảm xúc của kẻ xa quê, nhưng tôi đoán rằng nó chẳng dễ dàng gì, đôi khi ta muốn bỏ rơi mọi thứ để về vòng tay của gia đình, nhưng rồi hoài bão chồng ước mơ khiến ta lại tiếp tục cật lực với cuộc sống. 

Khuê tìm được công việc tại một quán ăn, đó cũng là nơi cô gặp Sâm – người chủ quán khó tính. Đối diện với Sâm, Khuê luôn xem những lời anh nói như những bài học bổ ích và cô là cô học trò lẽo đẽo theo sau nghe chỉ bảo. Sâm kĩ tính, kĩ đến từng ‘thớ thịt ngọn rau’, đi chợ mua nguyên liệu luôn là những sản phẩm đầy đủ về cả chất lượng lẫn người bán. Trước cái triết lý sâu xa ấy của Sâm, Khuê từ một cô gái dân dã dần chấp nhận và thích nghi với lối tư duy nơi thành thị.

Thế nhưng đôi lúc Khuê cũng tỏ thái độ chống đối trước những lý lẽ của Sâm – những lý lẽ vừa lạnh lùng vừa khắc nghiệt. Vì Khuê vẫn chưa có cái nhìn thực tế về cuộc đời và đời sống con người nơi đây, mọi thứ vốn không giống như bức tranh yên bình, ấm áp Khuê vẫn hay mơ về. Xuất phát từ trái tim nhân hậu và bao dung thì việc trả những món quà cho các chủ sạp – những người đối với Khuê đã trở nên gần gũi, quen thuộc trở thành công việc khó khăn, tàn nhẫn đến mức nào! Khi họ cất công trao cho ta cái tình, cái mến mà ta lại từ chối nó một cách thẳng thừng, như thể giữa người mua người bán chỉ là quan hệ trao đổi vật chất không hơn không kém. Khuê hoài nghi về cuộc đời, về chốn Sài Gòn hoa mỹ, nơi bao kẻ mơ ước được sinh sống ở đây lại không hề đẹp đẽ như cô mường tượng.  

Cô quay lại quán gặp Sâm để muốn xin nghỉ, quay về quê sinh sống, có lẽ vì thái độ trả đi tình cảm của người khác dành cho mình thật quá khó để Khuê chấp nhận. Thế rồi Sâm một lần nữa ‘sắm vai’ người thầy giáo để lý giải cho cô hiểu về hành động của mình. Tuy Sâm có cái vẻ lạnh nhạt, cái nụ cười nửa miệng ‘đáng ghét’ và cả gương mặt ‘không nóng không lạnh’ thế nhưng trái tim anh lại giàu lòng thương cảm biết bao! Ngày xuân đến, lúc những người buôn bán phải bận sáng bận tối bán hàng kịp Tết, họ đã có đủ ăn đủ sống đâu mà lại mua quà gửi tặng khách mối? Xuất phát từ sự thấu hiểu ấy dù rằng họ có lòng, mình có tâm song Sâm vẫn không thể để cái lòng ấy trở thành gánh nặng cho họ. Hiểu được tâm tình của sếp, Khuê nhận ra hành động mình làm có mang cảm tính trong đó, đồng thời nhận ra Sâm là người có tình nghĩa hơn mình nghĩ. Cứ dần dần sự cảm mến của cô dành cho Sâm bắt đầu biến hóa, cao thêm một chút, nhiều hơn một chút, như cái cán cân giữa tình yêu và lòng ngưỡng mộ.

Xem thêm :  Những loại danh từ chỉ khái niệm là gì ? đặc điểm và phân loại danh từ

.

Khuê bắt đầu suy nghĩ về những điều Sâm làm cho cô, theo cách hiểu nào đó cô cảm thấy anh luôn dành sự quan tâm đặc biệt nhiều hơn những người con gái khác. Sâm bán rẻ cho Khuê chiếc xe Cup và cô chỉ việc trả góp dần về sau, chỉ với lý do sợ cô đi làm xa đâm nản rồi nghỉ việc. Hay anh luôn thắc mắc vì sao cô không cài ruy – băng, đánh son đậm như những cô gái khác. Mà theo lời người khác đàn ông chỉ chú ý ngoại hình của ai đó khi họ có cảm tình đặc biệt dành cho đối phương, Khuê đã tin rằng đó là sự thật, tin vào cảm giác thân mật lạ lùng ấy. Thậm chí lúc Khuê bệnh, Sâm không chỉ gọi điện hỏi thăm mà còn đặc biệt đến nhà trọ của Khuê để thăm cô. Chẳng biết từ khi nào tình yêu ấy được nuôi nấng lớn thêm, mà với cô thứ cảm xúc ấy thật mông lung, mơ hồ biết bao! Sâm ân cần với cô đâu có nghĩa là anh cũng yêu cô như cô yêu anh, đâu có gì chắc chắn về tình cảm của Sâm, Khuê lại càng không thể hỏi anh vì sao lại đối xử đặc biệt với cô như vậy…

 

Rồi Tịnh xuất hiện – người bạn cùng trọ với Khuê và cũng là đồng hương của cô nhưng lại càng trùng hợp hơn, Tịnh là cô gái của ông bà Mười Thái – chủ vựa trái cây giàu có ở huyện, bà chủ của mẹ Khuê. Tịnh là cô gái trong sáng, trẻ trung và từ khi gặp Tịnh, Sâm như bị thu hút trước cô gái năng động này. Sâm nhiệt tình xin số điện thoại của Tịnh, nhiệt tình đối tốt với Tịnh và hơn hết là nhiệt tình mời Tịnh đi chơi, đi ăn. Khuê từ nỗi băn khoăn trước cảm xúc dành cho Sâm, giờ đây lại như sụp đổ hoàn toàn, như thể kẻ thứ ba thầm lặng chen chân vào mối tình riêng tư giữa hai người. Khuê không có tư cách ghen ghét Tịnh càng không có tư cách chất vấn Sâm. Cô tuyệt vọng, tuyệt vọng trước tình yêu mà ngỡ nó sẽ lãng mạn đến nhường nào. 

Khuê từng được gia đình ông Mười Thái hỏi cưới cho Quyền – anh của Tịnh. Quyền học cùng với Khuê từ nhỏ, nó vốn là đứa hư hỏng, ‘chuyên gia’ của mọi cuộc ẩu đả và ăn chơi mà trong làng ai cũng biết. Gia đình Khuê tuy mong con gái mau chóng kết hôn nhưng vẫn từ chối cuộc dạm hỏi này. Mãi về sau ông Bảy Sớm cũng hỏi cưới Khuê cho con trai, ông là ba của Sẹo – bạn lúc nhỏ của Quyền và Khuê nhưng thằng Sẹo đã rời quê từ nhỏ, ngay cả khuôn mặt cũng chỉ là những ký ức mờ ảo, mơ hồ trong cô. Thứ duy nhất Khuê còn nhớ về Sẹo là những lần cô ăn hiếp Sẹo và câu chuyện về mẹ Sẹo qua đời do chết đuối. 

Dù ba Khuê – ông Cầm từng bảo kết hôn trước yêu sau, nhưng với Khuê đó là quan niệm vừa cũ kĩ vừa cổ hủ. Cô vẫn hy vọng hy vọng được chọn người mà cô yêu, mà Sâm – chàng trai cô đã trót rơi vào lưới tình lại yêu người khác là Tịnh. Trước mối tình chưa nở đã tàn, Khuê dường như đổ gục trước điều này, như vỡ lẽ ra ấy chỉ là giấc mộng mà bản thân tự thêu dệt. Khuê quyết định nghe lời ba mẹ đi xem mắt thử, thái độ này khiến ba mẹ Khuê vui mừng khôn xiết mà bản thân cô như đang đánh lừa cảm xúc của chính mình, cố tìm cách quên đi Sâm…

Sâm – số phận của kẻ ‘bị đánh tráo’

Sâm từ nhỏ là đứa trẻ nhút nhát, rụt rè với cái đầu chi chít vết sẹo – bởi thế mà cả bọn trẻ ở vùng gọi anh bằng cái tên Sẹo, thậm chí về sau chẳng ai nhớ rõ tên thật của Sâm là gì. Hồi còn bé, Sâm luôn là đứa bị ăn hiếp, nhất là nhỏ Khuê mỗi sáng đều chặn cửa ‘ép’ Sâm gọi bằng , không thì choàng cổ Sâm mà vật xuống đất. Điều giúp Sâm có được sự chú ý của bạn bè là mỗi lần kể chuyện ma, bằng trí tưởng tượng cùng với ngôi nhà cạnh nghĩa trang, Sâm luôn có vô số câu chuyện hấp dẫn để lôi cuốn bạn bè. Vậy sau khi kể xong chúng bạn là ‘phủi mông’ bỏ đi, xem Sâm như kẻ vô hình. 

Chuyện ở lớp đã đáng chán, chuyện nhà lại càng thêm sầu não. Bà nội trước giờ vốn không tin Sâm là con ruột của ông Bảy Sớm, từ cái dáng vẻ lẫn những vết tích trong dòng họ mang tính di truyền Sâm đều chẳng thừa hưởng cái nào! Đối với điều này, ba Sâm mang một áp lực rất lớn, ông yêu vợ nhưng chính bản thân ông cũng cảm nhận con chẳng có tí nào giống mình, và ông biết việc xét nghiệm ADN sẽ vô tình tạo nên hố sâu trong tâm trí vợ. Mẹ Sâm vốn hiểu điều này, bà thương chồng, thương cảnh chồng phải chịu đựng những lời chì chiết từ mẹ. Bà đề nghị chồng kiểm tra ADN, ít nhất là để ngăn chặn sự tấn công từ bà nội và các cô. 

Xem thêm :  Soạn bài: thêm trạng ngữ cho câu

Ngày kiểm tra ADN đến, như một điềm báo xấu xa sẽ ập đến gia đình – trời mưa to không ngớt! Ông Bảy Sớm đi nhận kết quả một mình mà không cho Sâm theo cùng, có lẽ ông sợ điều mình không mong muốn sẽ xảy ra, điều mà Sâm phải đối mặt khi tuổi vẫn còn nhỏ. Và kết quả hệt như cái cơn mưa hôm ấy, đổ nước vào vết thương hãy còn mới khoét, đúng như lời bà nội nói Sâm không phải con ruột ông Bảy. Dù thế ông vẫn thương Sâm, như mang dòng chảy của tình thương đã nuôi từ ngày Sâm lọt lòng, vượt lên cả ruột rà máu mủ, ông không vì Sâm là con người khác mà từ bỏ cậu. Trước kết quả đúng như người bà suy đoán, cả gia đình ‘chĩa mũi dùi’ vào người mẹ, bà tần tảo vì gia đình, hy sinh vì chồng con ấy mà giờ đây bà phải ngồi đó để lắng nghe sự mắng nhiếc thậm tệ, lời lăng mạ phẩm hạnh, nỗi đau ấy như cú đạp thẳng vào sự nhẫn nhịn gầy dựng bao lâu của bà. Mẹ Sâm vụt chạy trong cơn mưa xối xả, hôm sau người ta vớt xác bà ở bên sông, chẳng biết là bà trượt ngã hay đã trầm mình xuống dòng nước để che lấp nỗi oan ức trong lòng. 

Nhờ cậu của Quyền – thầy giáo dạy cả bọn để ý đến Sâm, cái dáng vẻ quen thuộc không khác gì ông Mười Thái. Sau khi gia đình ông Mười cùng ba Sâm đến gặp mặt nói chuyện thì mới biết khi xưa Quyền và Sâm sinh cùng ngày cùng giờ chỉ khác phút, vào thời điểm y tế chưa tiến bộ như giờ thì vẫn có những trường hợp hi hữu như vậy. Nhưng có ai ngờ chính cái sai lầm ngỡ như chẳng có gì tai hại ấy đã vô tình cướp mất người mẹ của Sâm, mà lẽ ra bà phải nhận được hạnh phúc chứ không phải là nỗi oan ức không tài nào xóa bỏ và nấm mộ bên nhà!

Đối diện trước điều bất ngờ này, Sâm không tin vào tai mình, cậu đã quen hơi ấm của ba, kể cả hoàn cảnh gia đình có nghèo túng thì ấy vẫn là nơi nuôi nấng cậu, tình cảm ấy thiêng liêng hơn bất cứ điều gì trên đời. Vậy mà giờ đây, cuộc đời éo le này ép Sâm phải xa người ba suốt bấy lâu gắn bó và gọi người mình chưa từng trò chuyện là gia đình, có cái gì đó là lạ, khó khăn quá mức với một cậu bé còn nhỏ như vậy! Về sau, hai gia đình quyết định lâu khi sẽ đưa Sâm qua nhà ông bà Mười Thái ăn cơm và ngược lại Quyền đến nhà ông Bảy Sớm dùng bữa, thế nhưng thứ tình cảm ấy quá bất chợt, quá vội vã nên hai đứa trẻ đều không thể thích ứng ngay. Sâm vẫn ngoan ngoan làm theo lời người lớn nhưng Quyền thì khác, nó ngang bướng và không chịu nhận ông Bảy Sớm làm ba, nó chê gia cảnh ông bần cùng, chê bữa ăn chẳng có nổi thịt cá, tóm lại nó không thể trở thành con của ông được. Kể cả là đứa con chưa nuôi ngày nào thì vẫn là máu mủ của ông Bảy bởi thế nên thái độ của thằng Quyền làm ông đau lòng khôn xiết… Sự thật về gốc gác của Sâm khiến bà nội ân hận khôn nguôi, bà đổ bệnh rồi qua đời cũng trong đêm mưa to gió lớn – hệt như cái ngày mẹ Sâm qua đời lúc trước. Trước nỗi mất mát liên tục cùng những vấn đề ập tới quá bất ngờ, ông Bảy quyết định rời quê lên Sài Gòn làm ăn, ông đưa theo Sâm đi cùng, cả hai người cứ thế lặng lẽ biệt tăm khỏi huyện, không một ai biết kể cả ba mẹ ruột của Sâm.

 

Mối tơ duyên rối rắm

Trên Sài Gòn cuộc sống cũng chẳng khá hơn bao nhiêu, nhưng nhờ vậy Sâm càng nuôi chí tiến thủ, cậu biết những công việc nhẹ trong xóm làm để dành dụm tiền từng ngày đồng thời chuyên tâm ăn học nên người. Sau khi tốt nghiệp đại học, nhờ có người cô người miền Trung dạy nghề Sâm quyết định mở quán làm ăn, cũng chính là nơi Khuê đến xin việc. Trước nay Sâm chỉ lo học hành, tốt nghiệp thì bận rộn việc ở quán nên vốn chưa từng có bạn gái lại càng chưa để ý đến cô gái nào, có lẽ cô gái gần gũi với Sâm nhất chỉ có Khuê mặc dù sự tiếp xúc ấy chỉ là những màn bắt nạt cùng vật lộn. 

Thế nhưng bằng cách nào đó, Sâm vẫn luôn giữ trong mình hình ảnh của cô gái năng động, hoạt bát ấy, như chất nước mát trong lành tưới dội tâm hồn đã sớm khô cằn của Sâm suốt bấy lâu nay. Khuê xuất hiện ngay thời điểm Sâm không ngờ đến nhất, như mối nhân duyên kì lạ và trùng hợp ngay lúc ba Sâm đang muốn kiếm vợ cho con trai. Ngay lập tức ông Bảy liên lạc đến gia đình Khuê ở quê, được biết Quyền từng hỏi cưới Khuê nhưng không thành, mà cả Sâm hỏi cưới Khuê cũng nấn ná chưa muốn với lý do Sẹo là người bạn đã lâu chưa gặp sao nói cưới liền cưới như vậy! 

Xem thêm :  1 thước bằng bao nhiêu mét? cách quy đổi thước bắc bộ sang m

Ngày Khuê đồng ý gặp gia đình thằng Sẹo là ngày cô hiểu lầm Sâm, nhưng cô đâu biết rằng Sâm cũng đang ‘lội dòng suy nghĩ’ vì sao Khuê đồng ý đi xem mắt, anh đã tin rằng cô có tình cảm với anh nhưng cái gật đầu ấy vô tình tạo nên nỗi sợ vô hình. Như thể Sâm và Sẹo là hai kẻ khác nhau, có linh hồn riêng biệt, Sâm mâu thuẫn với chính bản thân, tự ghen với chính thằng Sẹo – là mình của quá khứ. Anh gặp Khuê vào ngày xem mắt bằng một tâm trạng vừa mong chờ vừa ủ dột, nhiều thứ cứ tua trong đầu Sâm: thái độ của Khuê, hơn hết là thằng Quyền – nó sẽ để yên cho anh kết hôn với người con gái nó từng nhắm tới sao? Và ông bà Mười Thái – ba mẹ ruột của Sâm sẽ đối diện với điều này như thế nào? Đứa con trai ruột đi biệt tích bao lâu không về, giờ về đã muốn ‘cướp’ cô con dâu hụt của ông bà? 

Trái với những gì Sâm nghĩ, ông bà Mười Thái tìm được nơi tổ chức buổi xem mắt, vui mừng khi gặp lại ông Bảy Sớm và đặc biệt là Sâm. Họ tiết lộ Quyền đã thay đổi, có chí thú là ăn và điềm tĩnh hơn trước nhiều lắm! Nhưng Khuê thì khác, cô nín thinh, im lặng suốt cả buổi, ngay cả nhìn Sâm cô cũng không nhìn. có lẽ Khuê cũng quá bất ngờ, hoang mang trong cái câu chuyện lạ lùng này: Sâm là Sẹo, Sẹo là Sâm, là sếp cô, là người khiến cô hao mòn tâm tư bao lâu nay. 

Khuê quay lại Sài Gòn với tâm trạng vò như tơ rối, trong suy nghĩ của cô Sâm đang yêu Tịnh nhưng lại hỏi cưới mình, đây là việc quá mức hoang đường nhưng cô đâu ngờ rằng Sâm lại là Anh ruột của Tịnh. Tâm trạng của Khuê càng tụt dốc không phanh khi cô trông thấy Tịnh và Sâm ôm nhau ở trước phòng trọ. Cảm giác bị lừa dối ấy như quả bóng của định mệnh đập mạnh vào đầu Khuê, ép cô từ chối cuộc hôn nhân với Sâm. 

Ta không thể trách Khuê, bởi cô chỉ là người đứng bên cuộc sống của Sâm, cô chưa có cơ hội bước vào để là sáng tỏ cái đám mây nghi hoặc trong mình, cái nhìn của Khuê một phía vì chẳng ai giải thích cho cô hiểu, đã thế Khuê lại yêu Sâm, tình yêu khiến người ta bất giác tự ti, chẳng dám phá ranh giới mà vượt qua nó. Ta cũng chẳng thể trách Sâm, đâu ai nói anh Khuê cũng yêu anh, rằng Khuê đã hiểu lầm – một sự hiểu lầm tai hại và đâu thể trách anh vì sao đã biết Khuê là cô gái năm xưa nhưng anh vẫn vờ như không quen, cuộc đời của anh đã quá nhiều trở ngại và trở ngại lớn nhất là Quyền – khối u không tan của Sâm, nhiều lúc anh muốn thể hiện tình cảm của mình với Khuê nhưng rồi hình ảnh của Quyền thoáng qua, như sự nhắc nhở, dày vò dành cho Sâm. 

Về sau Sâm gặp Quyền, biết được Quyền đã thay đổi, Quyền đã nhiều lần đến nhà ba con Sâm nhưng chỉ nhìn chứ không đến chào hỏi, có lẽ vì nhận ra lúc bé quá khó bảo nên giờ Quyền mặc cảm. Không chỉ lén lút thăm ba ruột, Quyền còn tìm cách giúp công việc của ba đỡ vất vả hơn, âm thầm để không làm xáo trộn sự yên bình mà ba con Sâm cất công gầy dựng. Mà Khuê cũng nhờ Tịnh nên biết được quan hệ của bạn cùng phòng và Sâm không như mình tưởng, cô vui vẻ tìm Sâm để bày tỏ nỗi lòng, cả hai có cái kết viên mãn và những nút thắt cũng được gỡ rối. 

 

Lời kết

 là hy vọng của Sâm, Khuê,… Tình yêu đến rồi lại vụt mất, điều quan trọng là chúng ta có biết tìm cách để vẫy gọi con chim xanh ấy quay về hay chấp nhận đánh mất một tình yêu đẹp. Đến cuối cùng, họ đều có cái kết tựa cổ tích và ta thấy dường như con chim xanh thấp thoáng bên vai họ, hót lên tiếng vang của hạnh phúc. Câu chuyện mang nhiều màu sắc khiến ta gợi nhớ về tuổi thơ, về quê hương, về cái tình ở con người,… Con chim xanh không đơn thuần là bản nhạc tình yêu và còn là tiếng ca trong trẻo của tấm lòng đối nhau giữa người với người, tạo cho ta về niềm tin vào cuộc sống, nhân văn và đẹp đẽ như màu xanh của chú chim mang tên Hy Vọng.

ĐMA.Thư – Bookademy

Hình ảnh: ĐMA.Thư

Nguồn: https://ybox.vn/vien-sach-bookademy/review-sach-con-chim-xanh-biec-bay-ve-lieu-co-phai-hy-vong-de-ta-cho-doi-tinh-yeu-60196e2e9913ef4e5d685ef1

 

 

 

 

 

 

 


Chút Review SÁCH #8 | ? con chim xanh biếc bay về


Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Giáo Dục

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button