Giáo Dục

Soạn bài: cách làm bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống

Trong văn nghị luận có một dạng yêu cầu là nghị luận về một hiện tượng đời sống. Đây là dạng đề luôn xuất hiện trong các bài thi và là câu hỏi tương đối đơn giản. Để hoàn thành được câu hỏi này đòi hỏi bạn phải biết cách viết bài và có kỹ năng viết tốt. Bài viết dưới đây lessonopoly sẽ hướng dẫn bạn cách làm bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống. Các bạn hãy cùng tham khảo nhé!

Soạn bài Nghị luận về một hiện tượng đời sống

Tìm hiểu đề và lập dàn ý

Tìm hiểu đề

– Vấn đề nghị luận: hiện tượng đời sống: việc sử dụng chiếc bánh thời gian

   + Sử dụng dẫn chứng từ đời sống, các tấm gương tiêu biểu

   + Thao tác lập luận: phân tích, chứng minh, bác bỏ, bình luận

Lập dàn ý

MB: Giới thiệu hiện tượng cần lập luận

TB:

  + Tóm tắt việc làm của Nguyễn Hữu Ân: dành thời gian cho những người bị ung thư giai đoạn cuối

   + Phân tích hiện tượng Nguyễn Hữu Ân: thể hiện đức tính tốt đẹp, lối sống tốt đẹp, có ích

   + Hiện tượng có ý nghĩa giáo dục rất lớn với thanh thiếu niên

   + Biểu dương việc làm của Nguyễn Hữu Ân, khẳng định xã hội có nhiều bạn trẻ cũng đã và đang có suy nghĩ đẹp, lối sống đẹp cho xã hội

   + Nêu lên một bộ phận thanh niên sống tiêu cực: vô cảm, lãng phí thời gian vào trò vô bổ

KB: Rút ra bài học cho bản thân từ hiện tượng bàn luận

Cách làm bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống

– Nêu rõ hiện tượng, phân tích mặt đúng sai, lợi hại, chỉ rõ thái độ, nguyên nhân

– Bày tỏ thái độ, ý kiến của người viết về hiện tượng xã hội

– Diễn đạt mạch lạc, sử dụng một số phép tu từ và yếu tố biểu cảm

LUYỆN TẬP

Bài 1 (trang 68 sgk ngữ văn 12 tập 1)

Nội dung: vấn đề bản luận: hiện tượng thanh niên (những năm 20 của thế kỉ XX) sống không có lý tưởng, mục đích, thiếu nghị lực, chí tiến thủ, chỉ biết vui chơi, hưởng thụ

b, Tác giả sử dụng các thao tác lập luận: so sánh, phân tích, bình luận

c, Cách viết của Nguyễn Ái Quốc rõ ràng, trong sáng, lập luận chặt chẽ, giọng văn tâm huyết, đầy thuyết phục

d, Bài học: cần chủ động, tích cực, sống trách nhiệm và tự trọng

Bài 2 (trang 68 sgk ngữ văn 12 tập 1)

MB: Nêu hiện tượng, trích dẫn đề, nhận định chung về hiện tượng “nghiện in-ter-net và ka-ra-o-ke

TB:

– Ka-ra-o-ke là hình thức giải trí, giảm căng thẳng, giúp mọi người gần nhau hơn

– In-ter-net ngoài giải trí còn cung cấp các kiến thức bổ ích, giúp tiếp cận thông tin nhanh, đa dạng, tiện lợi.

– “Nghiện” ka-ra-o-ke và Internet là dành quá nhiều thời gian, chểnh mảng học hành tu dưỡng

* Nguyên nhân:

– Do lười biếng, ham mê hưởng thụ, không hình thành được lý tưởng, mục đích sống

– Chưa được giáo dục tốt

* Hậu quả

– Phê phán thói xấu: tiêu phí thời gian, tiền bạc, lười học, nhiễm thói xấu, trí tuệ

* Khắc phục

– Tập trung vào việc học tập, rèn luyện đạo đức

– Hình thành lối sống tích cực

KB: Rút ra bài học từ hiện tượng nghị luận.

Hãy theo dõi video sau đây để hiểu hơn về cách làm bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống nhé!

5 bước làm văn nghị luận về sự việc, hiện tượng đời sống

Tìm và giải thích nghĩa của các từ được coi là từ khóa mà đề bài đưa ra. Tuy nhiên không phải sự việc nào cũng cần giải thích vì có những khái niệm phổ biến mà ai cũng biết như tai nạn giao thông, nói tục chửi thề…

Dựa vào thực tế đời sống để trả lời các câu hỏi sự việc, hiện tượng này xuất hiện ở đâu, xuất hiện vào thời gian nào, diễn ra ở quy mô nào, đối tượng của sự việc hiện tượng là ai, mức độ ảnh hưởng ra sao…

Lập luận theo hai hướng nguyên nhân khách quan (tác động từ bên ngoài như pháp luật, nhà nước, xã hội…) và nguyên nhân chủ quan (do nhận thức, ý thức, thói quen của con người…).

Dù là hiện tượng tích cực hay tiêu cực thì đều dẫn đến một kết quả hay hậu quả tương ứng. Nếu đó là hiện tượng xấu thì cần nhấn mạnh khía cạnh đạo đức, nâng cao nhận thức, ý thức của con người để giảm thiểu, loại bỏ hiện tượng đó khỏi đời sống xã hội.

Dựa vào phần đánh giá hậu quả/ kết quả để đưa ra giải pháp phù hợp. Đối với hậu quả thì phải đưa ra giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn; nếu là kết quả thì phải khuyến khích, cổ vũ, khích lệ và phát triển.

Tổng hợp các bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống

Viết đoạn văn nghị luận về mạng xã hội Facebook

Hiện nay cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã cho ra đời nhiều mạng xã hội. Nhắc đến mạng xã hội thì không thể thiếu Facebook – một trang mạng rất quen thuộc đối với thế giới nói chung và Việt Nam ta nói riêng. Không thể không nhắc đến những gì mà mạng xã hội làm được cho con người: giao lưu, kết bạn, giải trí, quảng bá thương hiệu, bán hàng…Nhưng chúng ta cũng không phủ nhận những tác hại khôn lường từ mạng xã hội mang lại. Mạng xã hội đã và đang làm mất quỹ thời gian ngắn ngủi của con người. Quá tập trung mạng xã hội, chúng ta dường như quên rằng mình phải làm rất nhiều việc. Quá rong chơi trong thế giới ảo ta quên mất mình cần sống cho mình, cho mọi người xung quanh. Chính mạng xã hội đang dần dần thủ tiêu mọi giao tiếp của con người. Ngồi đâu, ở đâu đâu bạn cũng chỉ thấy người ta chúi đầu vào điện thoại và quên đi việc phải trò chuyện cùng nhau. Đó là chưa nói đến việc những thông tin trên mạng xã hội là thông tin chưa qua kiểm chứng, thật giả lẫn lộn. Chẳng những gây hại về sức khỏe, sản phẩm công nghệ này còn tác động tiêu cực về mặt tinh thần của con người, đặc biệt là giới trẻ. Do nguồn thông tin trên mạng không có ai giám sát, kiểm duyệt nên còn tràn lan rất nhiều thông tin sai lệch, văn hóa phẩm đồi trụy, trong khi giới trẻ còn chưa đủ nhận thức để sàng lọc thông tin, dễ dẫn đến nhận thức lệch lạc, kéo theo đó là hành động sai lầm. Bị kẻ xấu lợi dụng tên tuổi, hình ảnh vào những việc làm phạm pháp gây ảnh hưởng tới uy tín và lòng tin của người khác. Có nhiều học sinh cũng chính vì nghiện mạng xã hội mà việc học tập ngày càng đi xuống. Lo sống ảo nên quên mất bản thân cần phải cố gắng trong đời thực. Bởi vậy chúng ta cần nhận thức được ý nghĩa thực sự của mạng xã hội và cần phải sử dụng mạng xã hội một cách thông minh và phải làm chủ nó cũng như làm chủ được bản thân trước những cám dỗ.

Xem thêm :  Cách viết văn hay cho người không giỏi văn

Viết đoạn văn nghị luận về sống “ảo”

Hiện nay, lối sống “ảo” ở một bộ phận giới trẻ đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Vậy, “sống ảo” là gì? Nó có tác động như thế nào tới cuộc sống của chúng ta? Theo tôi, đó là lối sống quá phụ thuộc vào mạng xã hội, thiếu đi sự liên lệ cần có với cuộc sống thực tại. Lối sống này đã và đang để lại rất nhiều hệ lụy cho một bộ phận thanh thiếu niên. Trước hết, dành quá nhiều thời gian lang thang trên mạng sẽ khiến ta thiếu đi cơ hội học tập, giao tiếp trực tiếp với những người xung quanh cũng như gây ra các vấn đề về thể chất: cận thị, cong vẹo cột sống… Đồng thời, đắm mình trong một thế giới mà mọi thứ đưa lên đều được chỉnh sửa kĩ lưỡng và đầy hào nhoáng, ta sẽ dễ cảm thấy ghen tị và rơi vào trạng thái tự ti, bất hạnh. Đó là chưa kể đến một số bị ám ảnh bởi những nút “like”, những lời khen sáo rỗng trên mạng xã hội để rồi dùng đủ mọi chiêu trò để thu hút sự chú ý. Chẳng hạn, cách đây không lâu, dư luận từng xôn xao trước sự việc một nam thanh niên nhảy cầu Tân Hóa sau khi nhận được 40 nghìn lượt thích hay một người khác tự thiêu khi có được điều tương tự. Đây đều là những hành động mù quáng, gây tổn hại cho bản thân cũng như tác động tiêu cực tới xã hội. Bởi vậy, tất cả chúng ta cần nghiêm túc lên án những hiện tượng này, cẩn trọng khi ấn từng nút “like”, từng lời bình luận và trân trọng hơn những giá trị đích thực của cuộc sống. Mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Hãy sử dụng một cách thông minh và chắc chắn nó sẽ đem lại cho bạn nhiều lợi ích.

Viết bài văn nghị luận về cách mạng công nghệ 4.0

Thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp lớn. Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều để lại những thành quả vô cùng to lớn, là tiền đề cho những bước phát triển nhảy vọt của nhân loại.

   

 Giờ đây chúng ta lại bắt đầu bước vào ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng công nghiệp mới – cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi triệt để cách chúng ta sống, làm việc và quan hệ với nhau. Về quy mô, phạm vi và tính phức tạp của sự thay đổi này sẽ không giống với bất cứ những gì mà chúng ta đã từng trải qua từ trước tới nay. Hiện chưa ai có thể lường trước được nó sẽ chuyển biến như thế nào, nhưng có một điều chắc chắn rằng, chúng ta cần phải ứng phó với cuộc cách mạng này một cách đồng bộ, toàn diện, với sự tham gia của tất cả các chủ thể của nền chính trị toàn cầu từ các khu vực công và tư, cho tới giới học thuật và các tổ chức xã hội.

Vậy cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 là gì mà nó lại có một tầm vóc vĩ đại đến như vậy?

Đó là cuộc cách mạng được xây dựng dựa trên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 là cuộc cách mạng kỹ thuật số và điện tử (máy tính, công nghệ viễn thông và Internet ra đời và phổ cập) đã xuất hiện từ giữa thế kỷ trước. Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự hợp nhất của các loại công nghệ và làm xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, mà với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, robot, Internet vạn vật (IOT) khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây mang tính liên ngành sâu rộng…

Tốc độ của những đột phá hiện tại là chưa hề có tiền lệ trong lịch sử. Nếu so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này đang phát triển với tốc độ cấp số mũ. Hơn nữa nó đang phá vỡ hầu hết mọi ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Về bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của xã hội loài người.

 Trong tương lai, đổi mới công nghệ cũng sẽ dẫn đến những lợi ích lâu dài trong hiệu quả và năng suất lao động. Hậu cần và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, các chi phí sẽ giảm đáng kể.

 Tất cả những điều đó sẽ giúp mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, cũng như mọi cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể đưa đến tình trạng bất bình đẳng lớn hơn, nhất là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Năm 2015, Mc Donald công bố sẽ xây dựng thêm 25.000 nhà hàng hoạt động hầu như bằng robot. Thay vì 10-20 nhân viên cho một nhà hàng thì nay chỉ còn 2-3 người để quản lý. Tháng 5-2016, Foxconn cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 60.000 nhân công và thay bằng robot. Tháng 11-2015, Ngân hàng Anh quốc đưa ra một dự báo còn đáng lo ngại hơn: Sẽ có khoảng 95 triệu lao động phổ thông bị mất việc trong vòng 10-20 năm tới tại Mỹ và Anh – tương đương 50% lực lượng lao động tại hai nước này. Giới nghiên cứu cũng chỉ ra CPS (Cyber Physical System) sẽ không chỉ đe dọa việc làm của công nhân trình độ thấp mà ngay cả những người có bằng cấp (cao đẳng, đại học trở lên) cũng có thể bị ảnh hưởng. Trong tương lai tài năng tri thức sẽ đại diện cho yếu tố quan trọng của sản xuất hơn là yếu tố vốn.

Xem thêm :  Bài 2 trang 66 sgk toán 8 tập 1

Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khu vực giáo dục đại học bị đặt trước nhiều thách thức rất lớn. Các trường đại học không thể dự đoán được các kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai gần do tốc độ thay đổi công nghệ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra quá nhanh.

Đối với các doanh nghiệp, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đang có những tác động lớn đến với họ, về phía cung, nhiều ngành công nghiệp tận dụng công nghệ mới để tạo ra những phương thức hoàn toàn mới phục vụ nhu cầu hiện tại của con người và phá vỡ phần lớn các chuỗi giá trị ngành công nghiệp hiện có. Nhà sản xuất sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản trong cách thức sản xuất và bán hàng. Về phía người tiêu dùng cũng có những đòi hỏi thay đổi lớn trong việc tham gia vào quá trình sản xuất, cung cấp sản phẩm một cách tích cực và chủ động.

 Đối với Nhà nước, công nghệ mới này ngày càng tạo điều kiện cho người dân tham gia với Chính phủ các ý kiến của mình. Ngược lại, Chính phủ thông qua công nghệ mới để tăng cường tiếp cận với công chúng, cải tiến hệ thống quản lý xã hội. Đôi khi con người không thể kiểm soát được công nghệ và những thứ đi kèm với nó, cho nên phải có trách nhiệm định hướng cho sự phát triển của nó. Để làm được điều này phải có một cái nhìn toàn diện và chia sẻ trên toàn cầu về cách công nghệ đang ảnh hưởng đến cuộc sống chúng ta và định hình lại môi trường kinh tế, văn hóa và con người.

GS.Klaus Schwab – người sáng lập và là Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới từng nói: Cuối cùng, tất cả đều cần quy tụ về con người và giá trị nhân văn. Trong trường hợp xấu nhất, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có tính năng robot hóa nhân loại, có khả năng tước đi trái tim và tâm hồn của chúng ta.

 Nhưng như một bổ sung cho các phần tốt nhất của bản chất con người, nó cũng có thể đưa nhân loại vào một ý thức tập thể và đạo đức mới tốt đẹp dựa trên cảm giác chung về số phận. Bổn phận của chúng ta là bảo đảm cho ý thức này sẽ ngày càng chiếm ưu thế.

Xem thêm: Giải thích câu tục ngữ không thầy đố mày làm nên ấn tượng

Xem thêm: Soạn bài, phân tích bài thơ Qua đèo ngang – Ngữ văn 7

Xem thêm: Hướng dẫn soạn bài Uy-lít-xơ trở về đầy đủ và chi tiết

Viết bài văn nghị luận về thực trạng tăng giá khẩu trang mùa dịch Covid 2019

Câu chuyện khẩu trang tăng giá gây bức xúc dư luận trong nhưng ngày qua như một “cái tát” vào những kẻ cơ hội, đầu cơ trục lợi giữa ngày dịch bệnh do virus Corona gia tăng trên toàn thế giới.

Không ai có thể nghĩ, những chiếc khẩu trang y tế 3 lớp giá chỉ 1.000 đồng/chiếc vào thời điểm vài tuần trước lại có thể khan hiếm và đắt đỏ như hiện nay. Do khan hiếm, tại một vài nơi đã xuất hiện tình trạng tăng giá khẩu trang lên gấp vài ba lần so với trước.

Đành rằng, ai cũng có quyền được kiếm tiền một cách chính đáng và nếu xét trên góc độ kinh tế, việc đầu cơ, găm hàng trong thời điểm này là một cách dễ dàng để có được siêu lợi nhuận, tuy vậy, với đại dịch, hành động này là vô cùng nguy hiểm đối với xã hội và chính bản thân họ.

Trước những bức xúc của người dân, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch virus Corona hôm 1/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiên quyết yêu cầu phải giữ nguyên giá và nhấn mạnh sẽ yêu cầu rút giấy phép bất kể đơn vị kinh doanh nào tăng giá bán khẩu trang.

Trên tinh thần chỉ đạo đó, Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, trong ngày 1/2, lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc đã đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý, đồng thời, vận động các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế thực hiện việc niêm yết giá bán, ký cam kết không vi phạm về giá, nguồn gốc xuất xứ đối với mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn. Báo cáo nhanh của các địa phương gửi về cho hay, đã có 85 cửa hàng bị kiểm tra, xử lý với số tiền vi phạm gần 89 triệu đồng, tạm giữ 4.870 khẩu trang có dấu hiệu vi phạm.

Thực tế cho thấy, mua bán những chiếc khẩu trang không chỉ là câu chuyện của nền kinh tế hàng hóa trao đổi hay tự do cá nhân mà đó là câu chuyện thuộc về đạo đức, về lòng tham của những con người khi đứng trước cơ hội trục lợi. Đơn cử, nếu bạn có trong tay một lượng khẩu trang lớn và nhu cầu trong xã hội sẵn sàng trả gấp nhiều lần cho sản phẩm đó, liệu bạn có bán với giá cao hơn không? Bạn sẽ bán cao hơn gấp đôi, gấp ba rồi có thể gấp bốn vào lúc nào đó không chừng. Sân chơi của kinh tế thị trường tự do có chỗ cho những điều như vậy, nhưng sẽ luôn cần chừa lại một khoảng cho đạo đức buôn bán, đặc biệt là trong những tình huống cần nhiều lòng trắc ẩn và sự chung tay của cả cộng đồng như một dịch cúm.

Việc một nhóm người mưu cầu lợi ích cá nhân có thể gián tiếp gây lây lan dịch bệnh khi nhiều người không có điều kiện tiếp xúc với các trang thiết bị y tế cơ bản như khẩu trang, cồn, thuốc sát trùng…. nhất là người có hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta sống trong một thế giới phẳng và không thể nói mình có thể sống tách biệt hoàn toàn với tầng lớp người nghèo không có đủ tiền trang trải cho chi phí phòng bệnh. Tất cả đều ở trên một con thuyền mà sự tham lam của số ít có thể khiến cả con thuyền chìm. Một lần tăng giá cắt cổ, người ta thấy nhiều điều trong xã hội được phơi bày.

Chúng ta không những phải tự bảo vệ cho chính mình, mà còn phải nỗ lực bảo vệ những người xung quanh thì việc ngăn chặn dịch mới có hiệu quả. Nếu không, mọi thứ đều sẽ sớm hay muộn trở lên vô ích.

Viết đoạn văn nghị luận về tinh thần tự học trong mùa dịch

Hiện nay, đại dịch Covid-19 diễn biến ngày một phức tạp, nó khiến nền kinh tế trì trệ, cuộc sống con người hoàn toàn xáo trộn và luôn ở trạng thái lo ngại, … và cùng với đó chính là việc học sinh – sinh viên không thể tới trường. Một trong những điều đáng lo ngại nhất khi tình hình dịch bệnh không biết bao giờ mới ổn định. Có người cho rằng, việc học sinh – sinh viên nghỉ dài có thể gây ra những lỗ hổng kiến thức nhưng phần lớn phụ huynh đều đồng ý vì lo ngại sức khỏe của con em mình và cộng đồng. Nói chung, việc cho học sinh – sinh viên nghỉ học là điều tất yếu và thực sự cần thiết, nhưng ta càng phải chú ý hơn về ý thức tự học. Nếu bạn muốn đảm đảm rằng kiến thức của mình không có lỗ hổng đáng tiếc thì việc đó hoàn toàn tùy thuộc vào ý thức tự học của chính bạn. Dù cho bạn có được đến trường nhưng lại sự lười nhác, lơ đễnh, mải mê với những trò vui thì chắc chắn kết quả học tập chẳng thể khả quan được. Bạn hãy coi đây là “thời cơ tốt nhất” để bản thân tự ôn luyện lại kiến thức đã được hỏng, tự rèn luyện để bù đắp những lỗ hổng đã có hoặc nâng cao khả năng với các dạng bài, dạng đề thi khác nhau. Thực tế mà nói, các Sở giáo dục và đào tạo đều triển khai các chương trình học trên sóng truyền hình, thầy cô tạo bài giảng online, bạn toàn có thể học tập tại nhà. Tự học thật tốt chính là một biện pháp đóng góp vào công tác phòng chống dịch Covid-19, giúp giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Vậy nên, hãy tranh thủ thời gian để tự học, tự rèn luyện, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh bạn nhé!

Xem thêm :  Cắt môi trái tim

Viết đoạn văn nghị luận về tác hại của thuốc lá

Thuốc lá gây ra những tác hại rất lớn đối với đời sống con người. Trước hết, nó huỷ hoại sức khoẻ của những người trực tiếp hút thuốc. Trong thuốc lá có chứa nhiều chất độc, đặc biệt là chất ni-cô-tin. Chất ni-cô-tin có khả năng gây nghiện và nó cùng với những chất độc khác gặm nhấm sức khỏe con người gây bệnh viêm phế quản, ho lao, ung thư phổi…. Điều này lí giải tại sao phần lớn những người hút thuốc nhiều đều mắc ít nhất một bệnh nào đó về phổi. Hơn thế nữa, thuốc lá còn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Khói thuốc lá, đầu thuốc lá, tàn thuốc lá, chúng đã cùng với rác rưởi góp phần tạo nên thảm hoạ ô nhiễm môi trường. Nguy hiểm hơn, khói thuốc lá còn gây bệnh cho những người không hút thuốc. Những người xung quanh hít phải khói thuốc và khói thuốc khiến họ chịu độc gấp 4 lần người trực tiếp hút thuốc. Việc hút thuốc lá thụ động này cũng khiến những người này mắc những bệnh nghiêm trọng về tim phổi. Nhận thức được tác hại của thuốc, chúng ta hãy cùng chung tay để ngăn chặn sản phẩm này.

 

Viết đoạn văn nghị luận về văn hóa xếp hàng

Văn hóa xếp hàng đơn giản là việc cộng đồng cùng tuân thủ việc xếp hàng theo thứ tự, có người trước, người sau theo một trật tự nhất định ở nơi công cộng. Ngoài ra, văn hóa xếp hàng còn thể hiện qua thái độ văn minh khi biết giữ trật tự, không gây lộn xộn và hành động đẹp khi giúp đỡ hoặc nhường lối cho người cao tuổi, phụ nữ có thai, em nhỏ, người khuyết tật… Người Việt đã từng có hình ảnh đẹp về văn hóa xếp hàng thời kì bao cấp, khi người ta xếp hàng từ hai, ba giờ sáng để mua cân gạo, miếng thịt… nhưng vẫn luôn tuần tự và tôn trọng những người xung quanh, không để xảy ra chuyện tranh giành, cãi vã. Thực tế, nhiều người trong cộng đồng cũng có được ý thức tốt đẹp này. Điều đáng tiếc là ý thức đẹp ấy chưa phải là số đông. Bởi vậy, lâu nay chuyện xếp hàng của người Việt đã tốn nhiều giấy mực của báo chí, khiến cho hình ảnh người Việt xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế. Thật không khỏi hổ thẹn khi nhìn lại cảnh hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy nhau để có được miếng shushi miễn phí trên phố Đoàn Trần Nghiệp (Hà Nội) năm 2013; cảnh trèo rào, chen lấn để được tắm miễn phí trong công viên nước Hồ Tây năm 2015,… Và hàng ngày, thầy cô vẫn phải nhắc nhở học sinh xếp hàng ngay ngắn, vắng các chú cảnh sát giao thông là đường tắc và tiếng còi xe inh ỏi trên đường phố của những đô thị được coi là phát triển văn minh, hay ngay cả ban tổ chức đã nỗ lực hết sức cũng không thể ngăn được hàng nghìn, hàng triệu người dẫm đạp lên nhau tại các lễ hội lớn… Văn hóa xếp hàng vừa là nét đẹp của đời sống con người nói chung, bất kể là thời kì xưa cũ hay thời kì hiện đại, vừa là một kỉ luật vô cùng cần thiết để chúng ta gìn giữ được cuộc sống văn minh, tiến bộ. Xếp hàng đúng vị trí, tôn trọng người xung quanh, những hành động ấy tuy nhỏ nhưng lại có vai trò và ý nghĩa to lớn. Trước hết, xếp hàng có văn hóa giúp mọi việc diễn ra trôi chảy, nhanh chóng và công bằng. Điều đó còn giúp tiết kiệm thời gian, giúp phòng tránh những cảm xúc tiêu cực và những sự việc đáng tiếc. Sở dĩ văn hóa xếp hàng còn yếu trong cộng đồng chúng ta vì nhiều nguyên nhân mà đầu tiên và quan trọng nhất là ý thức kém của mỗi người. Thói ích kỉ, sự thiếu kiên nhẫn cùng tâm lý đám đông đã khiến hành vi xấu xí này nhân rộng và ăn sâu trong cộng đồng. Hậu quả là, tất cả tạo nên bức tranh cảnh quan cộng đồng lộn xộn và ẩn chứa nguy cơ bất hòa, vũ lực. Hãy là một người Việt Nam có văn hóa!

Bài viết trên đã gửi đến bạn cách làm bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống cũng như những bài văn mẫu về chủ để trên. Hy vọng bài viết trên có thể giúp ích được cho bạn trong việc áp dụng vào bài viết của mình. Nghị luận về một hiện tượng đời sống là dạng bài được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống vậy nên bạn hãy lưu ý những kiến thức trên nhé!


Nghị luận về một hiện tượng đời sống- #Văn12 #hay nhất #Nghịluậnvềmộthiệntượngđờisống


Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Giáo Dục

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button