Giáo Dục

Soạn bài tôi đi học của thanh tịnh – ngữ văn 8

Tuyển tập đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn 8 giúp các em ôn tập những kiến thức cần ghi nhớ của bài Tôi đi học tại đây

Đọc tài liệu hướng dẫn các em ôn tập truyện ngắn Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh qua bộ đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn lớp 8 2019 dưới đây

Đề cương ôn tập học kì 1 Văn 8 bài Tôi đi học

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Về tác giả:

– Nhà thơ Thanh Tịnh (1911-1988) quê ở ngoại ô thành phố Huế, tên khai sinh là Trần Văn Ninh, lên 6 tuổi được đổi là Trần Thanh Tịnh. Thanh Tịnh học tiểu học và trung học ở Huế, từ năm 1933 bắt đầu đi làm nghề hướng dẫn viên du lịch rồi vào nghề dạy học. Đây cũng là thời gian ông bắt đầu sáng tác văn chương.

– Sự nghiệp văn học Thanh Thịnh thành công trên khá nhiều lĩnh vực: từ truyện ngắn, truyện dài, thơ, ca dao, bút kí… nhưng thành công nhất đó là truyện ngắn và thơ. Tiêu biểu nhất là tập thơ “Hận chiến trường” và tập truyện ngắn “Quê mẹ”.

– Phong cách sáng tác: những truyện ngắn của ông toát lên 1 tình cảm êm dịu, trong trẻo. Văn ông nhẹ nhàng mà thấm sâu mang dư vị vừa buồn man mác vừa ngọt ngào, quyến luyến.

2. Tác phẩm

a. Xuất xứ

“Tôi đi học” được in trong tập “Quê mẹ” xuất bản 1941.

b. Bố cục: 3 phần

Phần 1: Từ đầu đến “lướt ngang trên ngọn núi”

  • Nội dung: Tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến của nhân vật tôi từ nhà đến trường

Phần 2: Tiếp đến “…xa nhà hay xa mẹ tôi một chút nào”

  • Nội dung: Dòng tâm trạng và cảm xúc của nhân vật tôi khi đứng trước sân trường.

Phần 3: Đoạn còn lại

  • Nội dung: Tâm trạng nao nức, bỡ ngỡ của nhân vật tôi khi bước vào lớp học và bắt đầu tiết học đầu tiên.

Truyện ngắn “Tôi đi học” được bố cục theo trình tự hồi tưởng của nhân vật tôi, diễn tả cảm xúc mới mẻ, hồi hộp, bỡ ngỡ, nao nức, bâng khuâng của nhân vật tôi ở thời điểm ngày khai trường hiện tại nhớ về ngày khai giảng đầu tiên trong cuộc đời mình. Trình tự được diễn biến theo sự việc từ hiện tại nhớ về quá khứ, từ chuyển biến của đất trời cuối thu đến những hình ảnh rụt rè của những em bé núp dưới nón mẹ lần đầu tiên làm cho nhân vật tôi bâng khuâng nhớ về kỷ niệm trong sáng của mình.

c. Thể loại: Truyện ngắn (kí)

d. Phương thức biểu đạt

Tác phẩm sử dụng phương thức biểu đạt chính là tự sự kết hợp với các phương thức biểu đạt phụ khác như: biểu cảm, miêu tả (các hình ảnh so sánh, dòng cảm xúc của nhân vật tôi trong ngày khai trường)

e. Chủ đề tác phẩm

Tập chung thể hiện những trạng thái cảm xúc tinh tế, sâu sắc và rất đỗi thiết tha của tuổi học trò đặc biệt là tuổi học trò gắn liền với ngày khai trường đầu tiên. Đây là ngày khai trường để lại dấu ấn không bao giờ phai mờ của mỗi một đời người.

f. Đặc sắc nghệ thuật

  • Truyện kể hồi kí với theo trình tự thời gian, cảm xúc của nhân vật ” tôi” hết sức tự nhiên, trong sáng.
  • Những hình ảnh so sánh, nhân hóa đầy thi vị
  • Giọng văn nhẹ nhàng, trong sáng diễn tả trọn vẹn cảm xúc chân thật của đứa trẻ lần đầu đi học.
  • Chạm tới lòng người đọc bằng chính những trải nghiệm cảm xúc chung nhất của bất kì ai trong ngày đầu đi học.

– Sức hút của truyện từ:Tình huống truyện hấp dẫn, cảm xúc trong sáng, chân thật của nhân vật, tình ảnh đẹp đẽ, gần gũi.

g. Tóm tắt văn bản

Hằng năm cứ vào cuối thu, khung cảnh thiên nhiên lại làm cho tác giả nhớ đến những kỷ niệm về ngày đầu tiên đi học. Nhân vật tôi được mẹ đưa đến trường, trong lòng tràn ngập cảm giác mới lạ: “Hôm nay tôi đi học” Cậu cảm thấy mình đã lớn và muốn tự mình cầm bút thước. Khi tới trường, cậu trông thấy rất nhiều bạn học sinh cũng như mình tới trường, cảm giác bỡ ngỡ, rụt rè như những chú chim non. Khi nghe hồi trống thúc giục vào lớp cảm giác của nhân vật tôi vô cũng run run theo những hồi trống, đặc biệt là khi thầy Đốc điểm danh cho học sinh xếp hàng vào lớp thì ai cũng hồi hộp, lo lắng không biết làm gì nhưng những cử chỉ thân mật, trìu mến của thầy đã làm cho chúng tôi bớt lo lắng hơn. Vào lớp được gặp thầy giáo trẻ luôn tươi cười, niềm nở chào đón chúng tôi. Những bức tranh treo tường cả người bạn nhỏ bên cạnh tôi bỗng thấy thân thương, thích thú vô cùng. Bây giờ tôi đã tự tin chờ đón bài học đầu tiên “Tôi đi học”!

Xem thêm: Soạn bài Tôi đi học – Thanh Tịnh

II. ĐỌC – HIỂU TRUYỆN NGẮN

1. Tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến của nhân vật tôi từ nhà đến trường

Tất cả hình ảnh của thế giới bên ngoài đều gợi nhớ về ngày đầu tiên đến trường.

a. Bối cảnh tác động: Thiên nhiên và con người

– Thiên nhiên: Tác giả chỉ ra 2 đặc điểm

  • Lá vàng mùa thu đã rơi đầy đường
  • Trên bầu trời những đám mây đã nhuộm màu bàng bạc
Xem thêm :  Hệ cơ sở dữ liệu là gì ? hệ quản trị cơ sở dữ liệu là gì

-> Dấu hiệu của mùa thu, bước đi của thời gian, thiên nhiên vũ trụ đang chuyển mình bước sang mùa thu, bởi vậy đây cũng chính là mùa khai trường. Tác giả nhớ về ngày khai trường hết sức tự nhiên. Những cảm xúc dễ khơi gợi được cho con người những kỷ niệm lãng mạn, thơ mộng.

– Hình ảnh con người

  • Những em bé nép sau lưng mẹ trong cái rụt rè của buổi đầu tiên đến trường từ đó chợt nhớ ngày đầu tiên tới trường của tác giả -> Xáo động lớn về nội tâm, cõi lòng xôn xao, hồi nhớ về những kỹ niệm bâng khuâng về chính mình, tác giả diễn tả vô cùng ấn tượng. Có lẽ ít ai có thể quên đi được giây phút đầu tiên nép sau lưng mẹ đến trường, và nhân vật “tôi” cũng vậy. Cảm xúc tuôn trào một cách tự nhiên và đầy xúc động, gieo vào lòng người đọc những bồi hồi khó quên.
  • Sử dụng hình ảnh so sánh vô cùng độc đáo “Những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng” đã thể hiện rõ được tâm trạng nao nức, khó tả, cảm xúc tha thiết không thể gọi thành tên, thành lời. Tất cả những tình cảm ấy được tác giả sử dụng một hình ảnh nhân hóa vô cùng đẹp “hoa tươi mỉm cười” như muốn diễn tả cảm xúc ngọt ngào nhất, thơ mộng nhất. Khi nhìn thấy những em bé nép dưới nón mẹ nhà văn càng cảm thấy rộn ràng, vui sướng như chính mình đang ở trong bối cảnh ấy vậy. Những kỷ niệm trong ngày đầu tiên đến trường thật sống động, tự nhiên với những cảm xúc hết sức sâu lắng. Đặc biệt đem đến cho người đọc những giây phút vô cùng thật, giống hệt như cảm xúc mà cuộc đời mình đã từng trải qua vậy.

b. Cảm xúc của nhân vật tôi

– Đó là cảm xúc nao nức về những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường và những cảm giác trong sáng, nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười trên bầu trời quang đãng. Qủa thực những cảm xúc ấy vô cùng đẹp, khó diễn tả được mà chỉ chính những người đã từng trải qua mới có thể cảm nhận được. Sự hồi hộp, tò mò, thú vị và thay đổi trong tâm hồn chính là diễn biến trong nội tâm của cậu bé ấy.

– Hoàn cảnh buổi tựu trường: Được tác giả mô tả đến từng chi tiết. Thời gian là một buổi sương thu và gió lạnh với cảnh vật: trên con đường làng dài và hẹp. Những thứ quen thuộc như vậy ngày hôm nay có sự thay đổi lớn bởi vì hôm nay chính là ngày đầu tiên cậu đi học. Đó không phải là con đường hàng ngày đi cùng lũ bạn, buổi sáng thu, tinh sương nữa mà đó là con đường ngày hôm nay cậu lần đầu tiên được tới trường. Bỗng dưng trong tâm trạng của cậu bé ấy con đường ấy có sự thay đổi đến kì lạ “Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần nhưng lần này tự nhiên thấy lạ”

=>Tất cả những cảnh vật, con đường đối với cậu bé đều có sự thay đổi lớn vì trong tâm hồn cậu có sự thay đổi. Sở dĩ có điều đó là vì đây là một cảm xúc hết sức trong sáng, ngây thơ của cậu khi lần đầu tiên được tới trường, lần đầu tiên được tiếp nhận một cương vị mới đó là học sinh, là một trưởng thành “Hôm nay tôi đi học”. Việc đi học nó trở thành một cảm xúc quá đỗi thiêng liêng, nghiêm túc đối với cậu bé.

c. Sự thay đổi của nhân vật tôi

– Không lội sông thả diều, đi ra đồng bắn chim cùng chúng bạn mà là ngày đến trường-> Tôi đã trưởng thành, đã lớn, hiểu rõ được tầm quan trọng của một ngày trọng đại của một người.

– Đặc biệt bộ trang phục hàng ngày của cậu cũng có sự thay đổi “cậu mặc một chiếc áo vải đen, dài trông hết sức trang trọng” và trong tay của cậu ghì chặt hai cuốn vở mà mẹ đã mua cho. Nó không nặng nề nhưng nó hết sức xa lạ với cậu bé, tác giả miêu tả hết sức chi tiết đó là một cuốn vở bị chúi đầu xuống -> Sự vụng về, non dại của tuổi ấu thơ rất hồn nhiên, trong trẻo.

– Trên đường tới trường cậu thấy các anh chị cầm sách vở, bút nên cậu đã đề nghị đưa bút để tự cầm -> Nét ngây thơ, chứng tỏ mình đã lớn. Khi bị mẹ từ chối cậu bé lại nghĩ hết sức hồn nhiên, đáng yêu “Có lẽ chỉ có người lớn mới cầm được bút”. Ý nghĩ ấy của cậu bé đã thoáng qua trong tâm trí một cách nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi.

Bằng cách diễn tả tâm lí nhân vật tinh tế, đầy lôi cuốn, tác giả đã tái diễn lại đoạn hội thoại giữa “tôi” và mẹ trong ngày đầu đến trường. Những ý nghĩ vừa ngây ngô vừa dễ thương khiến cho người đọc không thể nào quên được.

2. Dòng tâm trạng và cảm xúc của nhân vật tôi khi đứng trước sân trường.

– Quang cảnh: Cảm xúc của nhân vật “tôi” khi được đặt chân đến ngôi trường làng Mỹ Lý được tác giả tái diến chân thực, sinh động, giàu cảm xúc. Và lại có thêm một sự thay đổi, một sự so sánh giữa khoảng thời gian trước khi đi học. Chính sự so sánh sự khác nhau này khiến nhân vật “tôi” trưởng thành hơn. Nếu như trước đó cậu đã từng đi qua ngôi trường và cảm thấy xa lạ, ngôi trường trông cao ráo và sạch sẽ hơn những ngôi nhà khác thì bây giờ ngôi trường trong mắt của cậu bé “trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Ấp, cảm giác hết sức thân thuộc. Và đây chính là ngôi trường sẽ gắn bó với cậu trong suốt những năm học sắp tới. Nhưng bỗng dưng cậu lại có một chút gì đó lo sợ “lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ”. Liệu rằng nhân vật “tôi” lo sợ điều gì? Có lẽ lo sợ vì những năm tháng ngồi trên ghé nhà trước có học tốt không, có vi phạm điều gì không và rất nhiều điều nữa. Một sự chân thật đến tinh nghịch.

Xem thêm :  Dấu của tam thức bậc hai

=> Nhưng qua sự so sánh này, nhân vật tôi đã thêm thay đổi hơn, dường như “tôi” đang dần trở nên trưởng thành hơn, chín chắn hơn. Phải chăng tất cả chúng ta kể cả nhân vật tôi lần đầu đến trường đều cảm thấy rụt rè, e ngại, nhất là khi các bạn không quen trường, không quen lớp. “Chung quanh những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước.

– Hình ảnh con người

  • Trước sân trường dày đặc người và nhân vật “tôi’ đã tinh tế quan sát xung quanh “chung quanh những cậu bé vụng về lúng túng như tôi, các cậu chỉ theo sức mạnh dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tưởng…”. Hình như tâm trạng của những cậu bé lần đầu tiên đi học đều như nhau, ngơ ngác và sợ hãi.
  • Tác giả thật khéo léo và tinh tế trong việc sử dụng hình ảnh so sảnh vô cùng độc đáo “họ như những con chim con đứng bên bờ tổ nhìn quãng trời rộng muốn bay nhưng còn ngập ngừng, e sợ” kết hợp với hàng loạt các từ láy như “bỡ ngỡ” , “ngập ngừng”, “rụt rè” để diễn tả rõ những cung bậc, diễn biến cảm xúc của nhân vật tôi cũng như những cô bé, cậu bé lần đầu tiên tới trường. Chúng bỡ ngỡ, hồi hộp, rụt rè, lo sợ bởi chúng chưa bao giờ được tới một nơi sang trọng, nghiêm túc và nhiều người như vậy. Mái trường như một tổ ấm và những cô bé, cậu bé ngây thơ, hồn nhiên như những cánh chim khát vọng ngập ngừng muốn tìm đến những chân trời tri thức đầy rộng lớn kia.

Dòng cảm xúc của nhân vật tôi càng được diễn tả chi tiết hơn khi tới trường. Nếu như ở trên là sự thay đổi trong lòng của cậu bé thì ở đây lại là sự thay đổi trong cảm nhận của cậu bé khi được đứng trước ngôi trường mình đang học. Đó là những cảm xúc hết sức chân thật, tự nhiên, giản dị của tuổi học trò mà ai trong số chúng ta cũng đã từng trải qua.

– Hình ảnh tiếng trống trường vang lên

  • Tiếng trống trường là biểu tượng cho ngày bắt đầu đi học cũng như là ngày kết thúc năm học. Bởi vậy đối với các cô bé, cậu bé tiếng trống trường vang lên càng làm cho các em run sợ, bơ vơ, lạc lõng hơn. Những cô bé, cậu bé ấy cảm thấy mình như bị rơi vào một khoảng không gian rộng lớn, không có ai nâng đỡ mà mình thì non nớt, sợ hãi.
  • Tác giả thật tinh tế trong việc miêu tả những cảm xúc, hành động rất đỗi ngây thơ, hồn nhiên của những cậu bé, cô bé lần đầu tiên tới trường “Hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi, hết co rồi lại duỗi mạnh như đá một quả bóng tưởng tượng”. Những từ láy “dềnh dàng, lúng túng, run run” đã thể hiện rõ được những nét đáng yêu vô cùng chân thật của các em nhỏ ấy. Cảm xúc rất khó có thể tả được khi các em cảm thấy run run theo cả tiếng trống trường.

– Hình ảnh thầy hiệu trưởng

  • Có thể nói rằng một trong những nhân vật vô cùng quan trọng của một ngôi trường chính là thầy hiệu trưởng và thầy hiệu trưởng thời đó được gọi là ông Đốc. Dưới mắt của nhân vật “tôi” thì thầy hiệu trưởng vô cùng hiền từ và luôn tươi cười đón nhận những thiên thần nhỏ để các em cảm thấy không còn lung túng, sợ sệt hơn nữa. Tác giả dùng những hình ảnh rất thật và sinh động miêu tả ông Đốc – người luôn luôn động viên, nhẫn nại và hiểu rõ nỗi sợ hãi, sự lo lắng của bọn trẻ khi mới bắt đầu vào lớp.
  • Việc đầu tiên mà ông Đốc làm chính là đọc tên các cậu học trò, việc đó làm cho “quả tim tôi như ngừng đập” mà quên đi có mẹ đứng sau. Khi thấy các em sợ hãi, khóc vì phải vào lớp thì ông đã động viên các em cố gắng học hành để cha mẹ vui lòng

-> Hình ảnh chuẩn đúng mực của người hiệu trưởng trong lòng nhân vật “tôi” được ghi lại hết sức chân thực, cụ thể và sinh động.

Xem thêm :  Bài tập chia động từ

– Cảm xúc của nhân vật tôi khi xếp lớp

  • Với nhân vật “tôi” thì ngày đầu tiên đi học là một điều rất tuyệt vời kèm theo những nỗi lo sợ vô cùng đáng yêu đặc biệt là ở chi tiết khi ông Đốc gọi đến tên mình để vào lớp. Tác giả dùng biện pháp so sánh “tôi cảm thấy quả tim tôi như ngừng đập” để gọi tên cảm xúc đó. Nó vô cùng bất ngờ, hồi hộp, khó diễn tả mà quên đi rằng có cả mẹ đang đứng ở đó.
  • Khi ông Đốc dặn dò mặc dù đã đỡ lo và hồi hộp hơn nhưng các cô bé vẫn không dám đáp “dạ”. Và đặc biệt đỉnh điểm cảm xúc của các cô bé cậu bé đó chính là khi ông Đốc nói “thôi các em đứng đây sắp hàng để vào lớp” thì nhân vật tôi cảm thấy “vô cùng nặng nề” và bất giác quay lại khóc nức nở. Dường như bấy lâu nay khi làm một việc gì đó đều có mẹ đi cùng nên bây giờ khi phải rời xa mẹ cậu bé không muốn chút nào.

=> Vai trò của người mẹ đã được thể hiện rõ trong truyện này. Bằng tất cả niềm yêu thương cũng như sự hiền từ, nhân ái của mình người mẹ đã tiếp thêm động lực cho con trong ngày đầu tiên đến trường. Mẹ luôn luôn là người đứng phía sau để che chở, bao bọc cho con khi con cần. Những cảm xúc bỡ ngỡ, hoang mang trong buổi đầu đến lớp thường khiến những đứa trẻ dễ tủi thân, sợ sệt bởi suốt 6 năm trời bé thơ, chúng chỉ đi trong vòng tay của cha mẹ, nay bất giác bị đẩy vào vòng của xã hội sơ cấp nhất trong cuộc đời, mà đối với chúng đó là nơi xa lạ chừng nào chứ. Nhân vật “tôi” cũng không thoát khỏi những cảm xúc nghẹn ngào “dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo”. Ngay trong lúc con cần mẹ nhất, “một bàn tay quen nhẹ vuốt mái tóc tôi”, đấy chính là sự an ủi dịu dàng nhất mà người mẹ dành cho con, không cần một câu một chữ nào cả. Người mẹ đã dùng hết tình yêu thương của mình vào cái vuốt tóc nhẹ nhàng ấy, mẹ đã tiếp thêm sức mạnh cho để con bước vào một môi trường mới, nơi ấy sẽ chắp cánh cho con bay xa hơn nữa, xa khỏi vòng tay mẹ chính là một chân trời mới đầy hấp dẫn, con yêu dấu của mẹ.

3. Tâm trạng nao nức, bỡ ngỡ của nhân vật tôi khi bước vào lớp học và bắt đầu tiết học đầu tiên.

– Đến những phút cuối của buổi tựu trường, cảm giác của nhà văn, cũng là của nhân vật “tôi” càng trong sáng và chân thực hơn. Ngồi trong lớp, cậu bé thấy xốn xang những cảm giác lạ mà quen đan xen, trái ngược nhau. Thấy “một mùi hương lạ xộc lên trong lớp”, “hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ” nhưng cậu bé nhìn bàn ghế chỗ mình ngồi “tự nhiên lạm nhận vật của riêng mình”, nhìn người bạn ngồi bên “không cảm thấy xa lạ chút nào”.

– Có thể nói đoạn văn kết thúc câu chuyện ngắn gọn mà hiện lên rất nhiều hình ảnh đẹp và ý nghĩa. Một chú chim nhỏ hót mấy tiếng rụt rè, vỗ cánh bay cao. Mắt “tôi” thèm thuồng nhìn theo. Kỉ niệm bẫy chim giữa đồng lúa vẫy gọi. Tiếng phấn và chữ viết của thầy giáo nhắc nhở, níu giữ, đưa về… Cuối cùng “tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm nhẩm đánh vần đọc…” Phải chăng đây là phút sang trang của một tâm hồn trẻ dại, tạm biệt thế giới ấu thơ chỉ biết nô đùa, nghịch ngợm để bước vào thế giới tuổi học trò hồn nhiên, mơ mộng.

– Những cảm nhận về thái độ và cử chỉ của người lớn đồi với nhân vật tôi trong ngày đầu tiên đi học: luôn quan tâm, chăm sóc chu đáo, dịu dàng, và chính điều đó đã mang đến sự ấm áp, giúp các em tự tin và vững vàng hơn trong buổi đầu đến trường.

————

Trên đây là đề cương ôn tập học kì 1 lớp 8 môn Ngữ văn 2019/2020 truyện ngắn Tôi đi học mà Đọc tài liệu đã biên tập, hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn tập và đạt được điểm số cao trong kì thi học kì của mình.


Tôi đi học – Ngữ văn 8 – Cô Phạm Lan Anh (DỄ HIỂU NHẤT)


? Đăng ký khóa học của thầy cô VietJack giá từ 250k tại: https://bit.ly/30CPP9X.
?Tải app VietJack để xem các bài giảng khác của thầy cô. Link tải: https://vietjack.onelink.me/hJSB/30701ef0
☎️ Hotline hỗ trợ: 084 283 4585
Ngữ văn 8 Tôi đi học
Video hôm nay, cô sẽ cùng các em tìm hiểu về bài Tôi đi học. Qua đó, cô cùng các em rút ra được nội dung bài đọc và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.Từ đó, các em cảm nhận và rút ra nhận xét gì qua tác phẩm. Chú ý theo dõi bài giảng của cô nhé !
Đăng kí mua khóa học của VietJack tại: https://m.me/hoc.cung.vietjack
Học trực tuyến tại: https://khoahoc.vietjack.com/
Fanpage: https://www.facebook.com/hoc.cung.vietjack/
vietjack, nguvan8, toidihoc
▶ Danh sách các bài học môn Ngữ văn 8 Cô Lan Anh:
https://www.youtube.com/playlist?list=PL5q2T2FxzK7VOVyAP1mkNnbprT5u56lcT
▶ Danh sách các bài học môn Tiếng anh 8 Cô Giang Ly:
https://www.youtube.com/playlist?list=PL5q2T2FxzK7V9IfdRJFZieNOSym2Tpg3C
▶ Danh sách các bài học môn Toán học 8 Cô Vương Thị Hạnh:
https://www.youtube.com/playlist?list=PL5q2T2FxzK7VrxEM_uz4qNx4ekYsAsRt9

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Giáo Dục

Related Articles

Back to top button