Giáo Dục

Phân tích sóng (xuân quỳnh)

  • Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm: https://youtu.be/7AI2fFGy40c
  • Hoạt động tìm hiểu bài theo định hướng phát triển năng lực: https://dayhocchudong.com/hoat-dong-hoc/bai-tap-song/2020/

I GIỚI THIỆU CHUNG

1. Tác giả

Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của các thế hệ nhà thơ trẻ thời kì chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc đời thường.

2. Tác phẩm

Bài thơ được sáng tác vào 29-12-1967 tại biển Diêm Điền. “Sóng” là một bài thơ tình đặc sắc. Tác phẩm là sự khám phá những khát vọng tình yêu của một trái tim phụ nữ mãnh liệt mà chân thành, giàu khát khao nhưng cũng rất tự nhiên. “Sóng” tiêu biểu nhất cho phong cách thơ tình yêu của Xuân Quỳnh.

II. PHÂN TÍCH

TỔNG

Sóng là một hình tượng động, bất biến. Vì vậy, sóng được nhiều nhà thơ chọn làm thi liệu để biểu tượng cho tình yêu. Nếu “Biển” của Xuân Diệu là tình yêu thiết tha, nồng cháy thì “Sóng” của Xuân Quỳnh lại là những cung bậc tình cảm của người phụ nữ trong tình yêu. “Sóng” là tiếng nói của một tâm hồn thiếu nữ, tiếng nói của một trái tim chân thành, khao khát được sống hết mình và yêu hết mình.

Sóng là hình tượng trung tâm xuyên suốt bài thơ. Nghĩa tả thực, đó là những con sóng biển được diễn tả chân thực, sinh động với nhiều trạng thái mâu thuẫn, trái ngược nhau. Nghĩa biểu tượng, sóng gợi đến sự phong phú, phức tạp trong tâm hồn người con gái đang yêu. Mỗi khổ thơ là một khám phá về sóng – tâm hồn người phụ nữ khi yêu.

PHÂN

1. Sóng là đối tượng để em cảm nhận, giãi bày những trạng thái tâm lí phong phú của tình yêu (khổ 1, 2)

1.1 Khổ 1: Sóng và tâm hồn người con gái khi yêu.

Từ sóng, em khám phá đặc điểm của tình yêu và cảm nhận những những trạng thái mâu thuẫn trong tâm hồn người phụ nữ khi yêu.

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

– Nghĩa thực của hình tượng sóng: trạng thái biến động và hành trình tự khám phá của sóng. Bài thơ mở đầu với 4 tính từ, tạo thành 2 cặp đối nhau “dữ dội” >< “dịu êm”, “ồn ào” >< “lặng lẽ”. Đó là những đối cực của sóng biển. Vừa mạnh mẽ, gào thét, thoắt cái sóng lại trở nên hiền hòa, êm đềm. Các trạng thái của sóng luôn chuyển hóa lẫn nhau, đắp đổi cân bằng, tạo nên sự biến đổi không ngừng. Trước những trạng thái đầy mâu thuẫn của bản thân, sóng khát khao tự nhận thức, tự khám phá. Xây dựng cặp hình ảnh đối “sông” – “biển”, Xuân Quỳnh gợi lên không gian sông hồ chật hẹp và không gian biển khơi mênh mông. Như vậy, với sức sống mãnh liệt, sóng không chấp nhận cuộc sống chật hẹp của sông hồ nên tìm ra tận bể khơi, đến không gian khoáng đạt để hiểu thêm về chính mình, nhận thức được sức mạnh và những khát khao của bản thân.

Nghĩa ẩn dụ của hình tượng sóng: những trạng thái đầy mâu thuẫn trong tâm hồn người con gái khi yêu và khát vọng tình yêu cao cả của người con gái. Xuân Quỳnh đã phả vào hình tượng sóng hơi thở yêu đương nồng nàn của mình, mượn nhịp sóng để thể hiện nhịp lòng. Cũng như sóng, tâm hồn người con gái khi yêu mang những biến động đầy mâu thuẫn, thất thường, “dữ dội” >< “dịu êm”, “ồn ào” >< “lặng lẽ”. Cảm xúc vừa mạnh mẽ, sôi nổi đã trở nên êm đềm, sâu lắng; mới hạnh phúc dâng trào đã chợt thành tận cùng đau khổ. Tâm trạng người con gái khi yêu không bình lặng, bất biến mà luôn vận động từ đối cực này sang đối cực khác. Vì thế, người con gái khao khát tìm được sự đồng điệu, đồng cảm trong tình yêu và muốn bắt đầu cuộc hành trình để nhân thức tình yêu, nhận thức về bản thân mình. Cặp hình ảnh đối “sông” – “biển” không chỉ gợi lên sự đối lập về không gian mà còn gợi lên sự tương phản trong tình yêu. “Sông” là tình cảm nhỏ bé, ích kỉ còn “biển” là tình yêu rộng lớn, bao dung. Trái tim người con gái không chấp nhận tình cảm tầm thường, nhỏ hẹp mà chủ động, khao khát tìm đến với tình yêu rộng lớn, vững bền để được hiểu mình, đánh giá đúng mình. Đoạn thơ thể hiện quan niệm tình yêu tiến bộ và mạnh mẽ của người phụ nữ thời đại. Đây là nét mới trong “Sóng” của Xuân Quỳnh.

Xem thêm :  Chú hề ma quái - it : chapter one full hd - vietsub

1.2 Khổ 2: Sóng và khát vọng tình yêu của tuổi trẻ.

– 2 câu đầu: Sự trường tồn của sóng biển.

Ôi con sóng này xưa

Và ngày sau vẫn thế

Biện pháp đối “ngày xưa” – “ngày sau” và cụm từ “vẫn thế” khẳng định sự tồn tại bất biến của sóng từ quá khứ đến tương lai.

2 câu sau: Sự vĩnh hằng của tình yêu. Cũng như sóng, tình yêu của nhân loại tồn tại mãi với thời gian.

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ

Từ quy luật tự nhiên, Xuân Quỳnh khám phá quy luật của cuộc sống. Từ láy “bồi hồi” diễn tả tâm trạng xao xuyến, bâng khuâng, thổn thức, không yên. “Khát vọng” là sự đam mê cháy bỏng, mãnh liệt, không có giới hạn cuối cùng. Như vậy, khát vọng tình yêu là khát vọng muôn đời của nhân loại, mà mãnh liệt nhất là của tuổi trẻ. Tình yêu luôn song hành với tuổi trẻ.

=> Xuân Quỳnh đã mượn nhịp sóng để thể hiện nhịp lòng của chính mình. Đoạn thơ là tiếng nói của trái tim chân thành và đam mê, luôn rực cháy mãnh liệt, khao khát được sống hết mình và yêu hết mình.

2. Suy tư về tình yêu qua hình tượng sóng (khổ 3 – khổ 7). Em soi vào sóng để suy tư, lí giải về khởi nguồn và cảm nhận những biểu hiện của tình yêu.

2.1 Khổ 3,4: Em khao khát khám phá sự khởi nguồn đầy bí ẩn của tình yêu

– Khổ 3: em băn khoăn về khởi nguồn của tình yêu.

Khi tình yêu đến, như một tâm lí tự nhiên, người ta luôn có nhu cầu tự tìm hiểu và phân tích.

Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?

Hình ảnh “muôn trùng sóng bể” gợi lên không gian bao la, rộng lớn của cuộc đời và cũng là là dự cảm, lo lắng về những gian truân, sóng gió khi đến với tình yêu của Xuân Quỳnh. Điệp ngữ “em nghĩ” thể hiện khát vọng tự nhận thức của nhân vật trữ tình em. Giữa không gian bao la, mênh mông của biển khơi, “em” trăn trở về mối quan hệ của “anh, em”, suy tư về tình yêu rộng lớn, bao dung như “biển lớn”. Những trăn trở, suy tư của “em” không chỉ là khát vọng tự nhận thức tình yêu mà còn là khát vọng về một tình yêu cao cả. Tuy nhiên, những âu lo đó không khiến cho nữ sĩ mất niềm tin vào tình yêu mà trái lại, khát vọng tình yêu trong Xuân Quỳnh càng thêm mãnh liệt, cháy bỏng. Nhà thơ mong muốn truy tìm khởi nguồn của sóng biển, của tình yêu “từ nơi nào sóng lên?” Câu hỏi cuối khổ thơ đã mở ra nhiều suy nghĩ trong người đọc.    

– Khổ 4: em nhận thức về sự huyền diệu, bí ẩn của tình yêu.

Mở đầu khổ thơ là câu trả lời cho câu hỏi đã được đặt ra ở cuối khổ 3: Sóng bắt đầu từ gió. Vậy thì “Gió bắt đầu từ đâu?” Biện pháp điệp vòng gợi lên sự vô hạn của tự nhiên. Nhân vật em thú nhận chân thực sự bất lực, không thể nhận thức đầy đủ khởi nguồn của thế giới tự nhiên “Em cũng không biết nữa”. Tình yêu cũng vậy, bí ẩn, đầy bất ngờ như sóng biển, gió trời. Cùng với sự bất lực trong nhận thức về khởi nguồn của vũ trụ, em cũng bất lực khi đi tìm câu trả lời cho khởi nguồn của tình yêu: “Khi nào ta yêu nhau”. Tình yêu chỉ có thể cảm nhận chứ không thể nhìn thấy hay lí giải được. Thật ra, nhu cầu tìm hiểu khởi nguồn tình yêu của em mang là một nhu cầu mang tính chất tình cảm hơn là trí tuệ. Em băn khoăn chỉ để yên tâm hơn với hạnh phúc hiện có “ta yêu nhau”. Nhân vật trữ tình đã tự tách khỏi hình tượng “sóng”, trực tiếp giãi bày tình yêu của mình một cách tự nhiên, chân thành. Cách cắt nghĩa tình yêu của Xuân Quỳnh đầy trực cảm, nữ tính chứ không lí tính, rạch ròi như Xuân Diệu.

2.2 Khổ 5: Nỗi nhớ được em bộc bạch chân thành.

Tình yêu luôn gắn liền với nỗi nhớ. Trong khổ thơ sáu câu thơ trải dài như nỗi thao thức, nhớ nhung khôn nguôi.

– 4 câu đầu: nỗi nhớ được giãi bày gián tiếp qua hình tượng “sóng”:

Xem thêm :  Những câu hát về tình cảm gia đình - nội dung, hoàn cảnh sáng tác, dàn ý phân tích tác phẩm

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

+Từ quy luật tự nhiên sóng luôn vỗ vào bờ, nữ sĩ liên tưởng đến tình cảm thắm thiết của sóng dành cho bờ. Hình thức lặp cấu trúc kết hợp với phép đối “dưới lòng sâu” – “trên mặt nước” đã gợi lên sự điệp trùng của những con sóng và những dạng thức tồn tại khác nhau của sóng giữa đại dương mênh mông. Dù là sóng ngầm dưới đại dương hay sóng cuộn trên mặt biển, sóng luôn thao thức ngày đêm vì nhớ bờ. Ở cả tầng sâu lẫn chiều rộng, trong cả ngày lẫn đêm, từng cơn sóng cuộn trào nỗi nhớ, dào dạt, da diết.

+ Trong đoạn thơ, hình ảnh “sóng” ẩn dụ cho tình cảm của người con gái. “Con sóng dưới lòng sâu” là cách biểu hiện tình cảm kín đáo, sâu sắc, “con sóng trên mặt nước” là tình cảm bộc lộ sôi nổi, mạnh mẽ. Dù cách thể hiện tình cảm khác nhau nhưng mẫu số chung của tình yêu là nỗi nhớ. Yêu càng nồng nàn, nhớ càng da diết. Cặp từ chỉ thời gian đối nhau “ngày” – “ đêm” đã khẳng định nỗi nhớ mãnh liệt của em đối với anh. Đó là nỗi nhớ thường trực, bao trùm mọi không gian, xuyên qua mọi thời gian. Người đang yêu như chìm trong biển nhớ. Hình ảnh “sóng” và “em” song hành và cộng hưởng gợi lên nỗi nhớ khắc khoải, khôn nguôi.

– 2 câu sau: nỗi nhớ được em giãi bày trực tiếp.

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn trong thức

Nhân vật trữ tình “em” thoát khỏi hình tượng con sóng để trực tiếp giãi bày nỗi lòng nhớ thương. Nỗi nhớ của sóng giới hạn trong cõi thực nhưng nỗi nhớ của em thì xuyên cả hai cõi thực và mộng “cả trong mơ còn thức”. Nỗi nhớ anh không chỉ có mặt trong thời gian được ý thức mà còn gắn với tiềm thức – thời gian trong mơ. Nhân vật trữ tình “em” trực tiếp giãi bày tình yêu một cách mạnh mẽ, chủ động, thể hiện sự táo bạo, mới mẻ của Xuân Quỳnh. Những lời bộc bạch chân thành của em đã tạo nên một tứ thơ lạ cho cách thể hiện cảm xúc nhớ nhung quen thuộc trong thơ ca, góp phần làm nên “nhan sắc riêng: chân thật và đam mê mãnh liệt” (Đoàn Thị Đặng Hương) cho thơ tình của Xuân Quỳnh.

2.3 Khổ 6, 7: Phẩm chất cao trong tình yêu là sự chung thủy và niềm tin.

– Khổ 6: em thủy chung trong tình yêu.

Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh – một phương

Điệp từ giả định“dẫu” đặt ra giả thiết về sự xa cách địa lí giữa anh và em. Phép điệp cấu trúc kết hợp với cặp từ đối lập “Bắc” – “Nam” mở ra không gian rộng lớn, khoảng cách địa lí xa vời vợi giữa anh và em. Tuy thế, nhân vật em vẫn luôn hướng về anh. Cách diễn đạt “nơi nào – cũng” là lời khẳng định chắc chắn về tình yêu của em dành cho anh. Dù ở bất cứ nơi đâu trong cuộc đời, em vẫn “hướng về anh”, dành cho anh trọn vẹn tình cảm, suy nghĩ. Hơn thế, dấu gạch nối giữa “anh” và “một phương” (anh – một phương) đã nói lên anh là phương hướng, là mục đích sống của nhân vật em. Tiếng nói trái tim của Xuân Quỳnh đã phát hiện ra một phương mới mẻ, độc đáo. Em đã trực tiếp bộc bạch tình yêu dành cho anh, tình yêu duy nhất, mãnh liệt, quên mình. Yêu say đắm, mãnh liệt và thủy chung. Qua đó, ta thấy quan niệm về tình yêu của Xuân Quỳnh gắn liền với đạo đức truyền thống dân tộc (tình yêu thủy chung) và mang tính chất hiện đại (khát vọng tình yêu duy nhất).

– Khổ 7: em luôn tin tưởng vào một tình yêu cao đẹp, hạnh phúc.

Tình yêu như muôn lớp sóng trào trên đại dương, có những lúc nổi sóng, gặp bất trắc nên ta cần có niềm tin vững vàng để đến được bến bờ hạnh phúc:

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào cũng tới bờ

Dù muôn vời cách trở

Từ quy luật của tự nhiên sóng luôn vỗ vào bờ, Xuân Quỳnh liên tưởng đến quy luật của tình yêu lứa đôi:  tình yêu chân chính giúp con người vượt qua thử thách, gian khổ để đến bến bờ hạnh phúc. Cặp quan hệ từ tương phản “dù… cũng” khẳng định mạnh mẽ niềm tin của nữ sĩ đối với tình yêu. Đoạn thơ thể hiện chiều sâu và vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ.

Xem thêm :  Quy tắc bàn tay trái lớp 11 – lý thuyết và bài tập vận dụng

=> Qua hình tượng “sóng” và “em”, Xuân Quỳnh đã nói lên thật chân thành, táo bạo, không hề giấu giếm khát vọng tình yêu sôi nổi, mãnh liệt của mình – một phụ nữ. Đây là một giọng thơ, một cá tính khá đặc biệt trong văn học Việt Nam trong thời kì này.

3. Sóng giúp em suy ngẫm về cuộc đời và khát vọng về tình yêu vĩnh hằng (khổ 8, 9)

3.1 Khổ 8: tình yêu giúp em suy ngẫm, nhận thức sâu sắc về cuộc đời hữu hạn trước sự chảy trôi của thời gian.

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

Cặp quan hệ từ tương phản “tuy… vẫn”, “dẫu … vẫn” chứa đựng những hình ảnh đối lập, ẩn ở trong đó ít nhiều nỗi âu lo của nhân vật trữ tình về cuộc sống. Xuân Quỳnh trăn trở trước những giới hạn của thời gian và không gian. Cuộc đời tuy dài nhưng không thể trường tồn cùng thời gian, biển dẫu rộng nhưng vẫn là hữu hạn. Tình yêu cũng vậy, dẫu tình  cảm bao la, dẫu yêu trọn kiếp con người cũng không đạt được đến sự vô hạn. Tuy nhận thức được sự giới hạn của cuộc sống nhưng không vì thế mà Xuân Quỳnh có cái nhìn bi quan, chán nản như các nhà Thơ mới. Trái lại, hàm ẩn trong lời thơ là khao khát được sống và yêu hết mình của nữ sĩ. Đoạn thơ là lời tâm tình của một tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống da diết.

3.2 Khổ 9: em khát vọng muốn vĩnh viễn hóa tình yêu.

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ

Ý thức về sự trôi chảy của thời gian, tiếc cuộc đời ngắn ngủi của con người, lo âu sự giới hạn của tình yêu, em khát khao nắm bắt hạnh phúc trong hiện tại và được sống mãi trong tình yêu. Câu hỏi tu từ “làm sao” thể hiện mong ước cháy bỏng của “em”. Người con gái đang yêu khát khao “được tan ra”, được sống hết mình, được hóa thân thành “trăm con sóng nhỏ”, trở thành một phần của biển cả bao la, được hóa thân thành một phần nhỏ bé của tình yêu mênh mông, bao la. Em mong muốn được hòa tình yêu riêng của mình vào “biển lớn tình yêu” – tình yêu bao la, rộng lớn của nhân loại – để sống hết mình trong tình yêu, để tình yêu riêng hoá thân thành tình yêu chung. Khát vọng yêu đó cũng là khát vọng được gắn bó mãi mãi với đời, “để ngàn năm còn vỗ”, cùng tồn tại mãi với thời gian của vũ trụ, vươn tới sự vĩnh hằng. Nhân vật trữ tình yêu rất nồng nàn nhưng không hề ích kỉ: yêu hết mình và dâng hiến hết mình. Đó là một quan niệm tình yêu đẹp và giàu nữ tính.

=> Trong hai khổ thơ này, Xuân Quỳnh đã thể hiện những cảm nhận tinh tế về sự trôi chảy của thời gian và sự hữu hạn của không gian. Qua đó, tác giả giãi bày ước vọng mãnh liệt về sự bất tử của tình yêu.

HỢP

– Âm điệu của bài thơ “Sóng” là âm điệu của những con sóng thực trên biển và cũng là nhịp điệu của những con sóng lòng của nữ sĩ. Thể thơ 5 chữ giàu nhịp điệu, nhiều khổ, cắt khổ không đều nhau tạo âm hưởng dào dạt, nhịp nhàng, khi trào lên, khi dội vang, khi lan xa.

– Bài thơ được kết cấu trên cơ sở nhận thức sự tương đồng, hòa hợp giữa hai hình tượng trữ tình: sóng và em. Có lúc”sóng” và “em” phân đôi để soi chiếu, tìm sự tương đồng nhưng cũng có lúc “sóng” hòa nhập cùng “em”, tạo sự âm vang, cộng hưởng. Cấu trúc song hành này góp phần tạo nên chiều sâu nhận thức và nét độc đáo cho bài thơ.

III. KẾT LUẬN

“Sóng” là một hình tượng sáng tạo độc đáo của Xuân Quỳnh. Qua hình tượng “sóng”, trên cơ sở khám phá sự tương đồng, hòa hợp giữa “sóng” và “em”, bài thơ diễn tả tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người. Qua bài thơ, ta nhận ra vẻ đẹp tâm hồn của thi nhân trong tình yêu.


Ngữ Văn 12: Phân tích trọn vẹn bài thơ "Sóng" cùng thầy Phạm Minh Nhật


Ngữ Văn 12: Phân tích trọn vẹn bài thơ \

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Giáo Dục

Related Articles

Back to top button