Giáo Dục

Sài gòn tôi yêu

Bạn đang xem: Sài gòn tôi yêu Tại Website vuongquocdongu.com
van-ban-sai-gon-toi-yeu-doc-them-day-du-ngu-van-7

sài gòn tôi yêu

Văn bản:

Sài Gòn vẫn trẻ. Tôi thì đương già. Ba trăm năm[1] so với năm ngàn năm tuổi của Đất nước thì cái đô thị này còn xuân chán. Sài Gòn cứ trẻ hoài như một cây tơ đương độ nõn nà, trên đà thay da, đổi thịt, miễn là cư dân ngày nay và cả ngày mai biết cách tưới tiêu, chăm bón, trân trọng giữ gìn cái đô thị ngọc ngà này.

Tôi yêu Sài Gòn da diết… Tôi yêu trong nắng sớm, một thứ nắng ngọt ngào, vào buổi chiều lộng gió nhớ thương, dưới những cây mưa[2] nhiệt đới bất ngờ. Tôi yêu thời tiết trái chứng với trời đang ui ui[3] buồn bã, bỗng nhiên trong vắt lại như thuỷ tinh. Tôi yêu cả đêm khuya thưa thớt tiếng ồn. Tôi yêu phố phường náo động, dập dìu xe cộ vào những giờ cao điểm. Yêu cả cái tĩnh lặng của buổi sáng tinh sương với làn không khí mát dịu, thanh sạch trên một số đường còn nhiều cây xanh che chở. Nếu cho là cường điệu, xin thưa:

Yêu nhau yêu cả đường đi
Ghét nhau ghét cả tông chi[4] họ hàng.

Ở trên đất này, không có người Bắc, không có người Trung, người Nam, người Hoa, người Khơ-me… mà chỉ toàn là người Sài Gòn cả. Sống lâu, sống quen một thời gian dài ở Sài Gòn, rồi cứ ngỡ là mình đã sinh ra ở đây và vô hình trung đã thừa nhận nơi đây là quê quán của mình. Sài Gòn bao giờ cũng dang hai cánh tay mở rộng mà đón nhiều người từ trăm nẻo đất nước kéo đến. Nếu siêng năng, chịu khó thì bạn sẽ được đãi ngộ thân tình như hàng triệu người khác.

Cách ngày này gần năm mươi năm, vào đây được gần gũi với người Sài Gòn, tôi đã thấy phong cách bản địa[5] mang nhiều nét đặc trưng. Họ ăn nói tự nhiên, nhiều lúc hề hà[6], dễ dãi. Phần đông ít dàn dựng, tính toán. Người Sài Gòn cũng như phần lớn người Lục tỉnh rất chơn thành[7], bộc trực.

Các cô gái thị thiềng[8] lúc đó thì tóc buông thõng trên vai, trên lưng. Có khi tết bím. Đội nón vải[9] trắng, vành rộng, như nón Hướng đạo[10]. Áo bà ba trắng, đính một túi nhỏ xíu duy nhất bên thân mặt áo. Quần đen rộng. Mang giày bố trắng (giày vải, giày ba ta) hay xăng đan da. Có người đi guốc vông trơn[11] trắng nõn, quai da, dạng chiếc xuồng hay hình hộp cá mòi[12]. Dáng đi khoẻ khoắn, mạnh dạn. Cái đẹp thật đơn sơ, đôn hậu. Cũng yểu điệu, thiết tha, nhưng theo cung cách Bến Nghé[13]. Cũng e thẹn, ngượng nghịu như vừng trăng mới ló, còn ngập ngừng giấu nửa vành sau áng mây. Nụ cười thiệt tình, tươi tắn và ít nhiều thơ ngây.

Bấy giờ, khi chào người lớn, các cô ấy (trước 1945) cúi đầu, chắp hai bàn tay lại và xá[14]. Gặp trang lứa bạn bè thì hơi cúi đầu và cười. Cười ngậm miệng, cười chúm chím, cười mủm mỉm, cười he hé, chỉ để lộ vài cái răng hay lộ cả hàm, tuỳ theo mức độ thân quen. Đặc biệt là cặp mắt sáng rỡ, nhí nhảnh, đôi lúc lại ánh lên vài tia hóm hỉnh.

Xem thêm :  Hai lực cân bằng là gì? khái niệm, đặc điểm, tác dụng

Tuy phong cách tiếp cận người quen hay khách lạ có vẻ hơi “cổ xưa” nhưng lại rõ ràng, dân chủ. Không có tư thế khúm núm hay màu mè. Không một chút mặc cảm[15], tự ti[16].

Tuy nhiên, đến những hồi nghiêm trọng và sôi sục nhứt của đất nước, thì các cô gái ấy cũng như các chàng trai và các giới đồng bào của Sài Gòn bất khuất, không chút do dự, dấn thân vào khó khăn, nguy hiểm và có khi hi sinh cả tánh mạng, xuyên suốt ba chục năm từ năm 1945 đến 1975.

Miền Nam là đất lành thì Sài Gòn, đứng ở góc độ nào đó mà xem xét, cũng là một đô thị hiền hoà. Sài Gòn ngày nay cũng rất ít chim. Đến mùa, một ít nhạn, én bay về trú đông, dưới các mái nhà cao tầng, mái đình, mái chùa. Thỉnh thoảng mới thấy vài chị quạ, chị sáo, vài chị vành khuyên, sắc ô[17], áo già[18]… Nhiều nhứt là họ hàng se sẻ mà bây giờ cũng thấy thưa thớt dần. Trước kia, rất nhiều, cả cò, cả vạc sổng lồng trong Sở thú[19] bay ra làm tổ trên mấy ngọn cây dầu, cây sao cao ngất với các chị cu gáy, chị quạ, chị sáo. Những kẻ vô trách nhiệm với môi trường sống và chẳng thèm đếm xỉa đến luật bảo vệ thiên nhiên, với những nòng súng hơi ác độc, đang tay bắn giết chim và dơi của thành phố.

Thành phố hiếm hoi dần chim chóc. Thì đã có người. Sài Gòn rộng mở và hào phóng là nơi rất thuận lợi cho người tứ xứ[20] đến đây sinh sống. Ngày nay đã leo lên hơn năm triệu.

Vậy đó mà tôi yêu Sài Gòn và yêu cả con người ở đây. Một mối tình dai dẳng, bền chặt. Thương mến bao nhiêu cũng không uổng công, hoài của. Tôi ước mong mọi người nhất là các bạn trẻ, đều yêu Sài Gòn như tôi.

Chú thích:

[1] Tính từ thời điểm thành lập phủ Gia Định dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, năm 1697. Thành Gia Định sau trở thành thành phố Sài Gòn, thủ phủ của xứ Nam Kì. Từ sau tháng 4 năm 1975, Sài Gòn mang tên là Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn và có dân số đông nhất trong các tỉnh, thành phố của nước ta, là trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam.
[2] Trận mưa lớn, nhanh và không kéo dài.
[3] (Từ địa phương) thời tiết không nắng hoặc nắng dịu, nhưng oi oi khó chịu.
[4] Các chi trong một họ, cũng chỉ chung họ hàng.
[5] Bản thân địa phương được nói đến.
[6] (Từ địa phương) dễ dãi và vui vẻ.
[7] Chân thành.
[8] Thị thành.
[9] Mũ may bằng vải.
[10] Một tổ chức tập hợp thiếu niên, thanh niên học sinh dưới thời thuộc Pháp để vui chơi và rèn luyện. Các hướng đạo sinh khi tham dự các hoạt động của đoàn hướng đạo phải mặc đồng phục có mũ vải mềm rộng vành.
[11] Guốc đẽo bằng loại gỗ vông xốp và nhẹ, để mộc không sơn.
[12] Cá biển, nhỏ và thân dẹp. Cá mòi thường được đóng hộp làm thực phẩm, hộp cá mòi hình bầu dục và dẹt.
[13] Tên gọi cũ sông Sài Gòn. Cũng dùng để gọi thành Gia Định xưa, hay vùng Sài Gòn.
[14] Vái (chắp tay giơ lên hạ xuống, đồng thời cúi đầu, để tỏ lòng cung kính).
[15] Thầm nghĩ rằng mình không bằng người và cảm thấy buồn.
[16] Tự đánh giá mình thấp kém, thiếu tự tin.
[17] Loài chim có lông màu đen.
[18] Loài chim có lông màu nâu đậm.
[19] Vườn bách thú ở Sài Gòn, còn gọi là thảo cầm viên.
[20] Bốn phương, mọi nơi.
Xóm chợ Đũi, cuối tháng 12-1990

Xem thêm :  Bài 20 trang 15 sgk toán 9 tập 1>

Nguồn: Minh Hương, Nhớ Sài Gòn, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1994

I. Đọc – hiểu văn bản:

Câu 1: Tác giả đã cảm nhận Sài Gòn về những phương diện nào? Dựa vào mạch cảm xúc và suy nghĩ của tác giả hãy tìm bố cục của bài văn.

Câu 2: Trong phần đầu bài (từ đầu đến “hàng triệu người khác”) tác giả đã bày tỏ lòng yêu mến của mình với Sài Gòn qua những cảm nhận chung về thiên nhiên và cuộc sống ở nơi ấy. Em hãy nêu lên:

a. Nét riêng biệt của thiên nhiên, khí hậu Sài Gòn qua sự cảm nhận khá tinh tế của tác giả.

b. Tình cảm của tác giả với Sài Gòn đã được thể hiện như thế nào? Biện pháp nghệ thuật nào đã được sử dụng để biểu hiện tình cảm của tác giả?

Câu 3: Trong đoạn 2 (từ “ở trên đất này” đến “leo lên hơn năm triệu”), tác giả tập trung nói về nét nổi bật trong phong cách của người Sài Gòn. Nét đặc trưng của phong cách ấy là gì? Thái độ, tình cảm của tác giả đối với con người Sài Gòn được biểu hiện như thế nào?

Câu 4: Hãy nêu lên vị trí và ý nghĩa của đoạn cuối trong việc thể hiện tình cảm của tác giả đối với Sài Gòn.

Câu 5: Hãy nêu lên những đặc điểm trong nghệ thuật biểu cảm của bài văn.

Luyện tập

Bài tập 1: Hãy tìm những bài viết về vẻ đẹp và những đặt sắc của quê hương em.

Bài tập 2: Viết một đoạn văn ngắn nói về tình cảm của mình với quê hương hay một vùng đất mà mình đã từng gắn bó.

* Soạn bài:

Sài Gòn tôi yêu

Câu 1:

* Sài gòn tôi yêu là một bài tùy bút của Minh Hương. Bài này thể hiện tình cảm yêu mến và những ấn tượng của tác giả về Sài Gòn trên các phương diện chính: thiên nhiên, khí hậu, thời tiết, cuộc sống sinh hoat của cư dân nơi đây và phong tục của con người nơi đây.

* Bài tùy bút có ba đoạn:

– Đoạn 1: Từ đầu đến “tông chi họ hàng”: Những ấn tượng chung của tác giả về Sài Gòn và tình cảm của ông đối với nơi đây.

– Đoạn 2: Từ “ờ trên đất địa này đến leo lên hơn năm triệu”: Cảm nhận và bàn bạc” đánh giá về phong cách con người Sài Gòn.

Xem thêm :  Trường cao đẳng ngoại ngữ và công nghệ việt nam

– Đoạn 3: Phần còn lại: Nhấn mạnh thêm tình yêu của mình đối với Sài Gòn, thành phố ấy.

Câu 2:

a.

– Sự cảm nhận chính xác và tinh tế của nhà văn cho thấy mặt riêng biệt của thiên nhiên khí hậu Sài Gòn là nắng sớm, gió lộng buổi chiều, cơn mưa nhiệt đới ào ào và mau dứt.

– Ngoài ra thời tiết Sài Gòn cũng thay đổi nhanh chóng đột ngột “trời đang ui ui buồn bã, bỗng nhiên trong vắt là như thủy tinh”.

– Minh Hương cũng cảm nhận được về không khí, nhịp điệu cuộc sống đa dạng của Sài Gòn trong những thời khắc khác nhau: “đêm khuya thưa thớt tiếng ồn, phổ phường náo động dập dìu xe cộ vào những giờ cao điểm, cái tĩnh lặng của buổi sáng tinh sương, làm không khí mát dịu thanh sạch”.

b.

– Tình cảm tác giả: “Tôi yêu Sài Gon da diết”. Đối với tác giả, cả sự “trái chứng” thay đổi đột ngột của thời tiết, những cơn mưa nhiệt đới ào ạt, sự ồn ào đông đúc trong những giờ của Sài Gòn cũng trở thành những cái đáng yêu, đáng nhớ.

– Biện pháp điệp từ ở đầu câu, điệp cấu trúc câu để nhấn mạnh, khẳng định tình cảm của mình và cũng để biểu hiện sự phong phú của thiên nhiên, đất trời và khí hậu của Sài Gòn.

Câu 3:

– Trong phần thứ hai của bài (từ “ở trên đất địa này… “đến…. “từ 1945 đến 1975”, Minh Hương tập trung nói về nét nổi bật trong phong cách của người Sài Gòn.

– Theo ông, Sài Gòn là tụ hội của người bốn phương tứ xứ nhưng đã hòa hợp, không phân biệt nguồn gốc mà chỉ còn là cư dân Sài Gòn, người Sài Gòn.

– Phong cách nổi bật của những con người này là chân thành bộc trực, cởi mở. Thiếu nữ Sài Gòn với vẻ đẹp tự nhiên dễ gần mà ý nhị với dáng vẻ tự nhiên khỏe khoắn vừa ý tứ vừa mạnh dạn tuy có vẻ cổ xưa nhưng mang tinh thần dân chủ.

Câu 4:

Đoạn cuối của bài, một lần nữa tác giả khẳng định lại tình cảm của mình với mảnh đất và con người nơi đây. Đó như một “tuyên ngôn” của tác giả đồng thời mong muốn thế hệ trẻ cũng đều dành tình cảm yêu mến cho mảnh đất này.

Câu 5:

Đặc điểm trong nghệ thuật biểu cảm của bài văn:

– Biểu cảm gián tiếp qua miêu tả thiên nhiên, khí hậu, con người Sài Gòn, hồi tưởng kỉ niệm.

– Biểu cảm trực tiếp qua các câu văn cảm thán: Tôi yêu Sài Gòn yêu cả con người nơi đây, Thương mến bao nhiêu….

Luyện tập

Bài tập 1: Bài viết về vẻ đẹp Hà Nội: Hà Nội Phố ( Phan Vũ), Một góc chiều của Hà Nội (Nguyễn Duy), Mùa thu Hà Nội ( Hoàng Thy)

Bài tập 2:  (Học sinh tự thực hành)


Ngữ Văn Lớp 7 Bài 15 – Sài Gòn Tôi Yêu – Trang 168 – 172


Ngữ Văn Lớp 7 Bài 15 – Sài Gòn Tôi Yêu – Trang 168 172

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Giáo Dục

Related Articles

Back to top button